Hoặc Seaprodex từng đầu tư bóng chuyền, bóng bàn. Bưu điện TPHCM cũng rất thành công với bóng chuyền, bóng bàn và từng sở hữu đội bóng đá chơi tại giải hạng nhất. Thời đó, nhiều đơn vị xây dựng hẳn trung tâm thể thao riêng cho mình, chiêu mộ VĐV bằng “phần thưởng” là suất biên chế sau thời gian thi đấu. Ngay các trường cấp 3 trong thành phố cũng có CLB thể thao khá mạnh, cơ sở vật chất được đầu tư không kém gì chuyên nghiệp.
Đó chính là những “lò ấp” tài năng, cùng với Trường Năng khiếu nghiệp vụ, đã từng giúp cho nhiều môn thể thao phổ biến của TPHCM đứng đầu cả nước. Theo thời gian, sự biến mất của những “lò” này cũng tỷ lệ thuận với sự sụt giảm chất lượng của thể thao TPHCM, nhất là ở các môn thi đấu tập thể.
Sự thiếu vắng này đã được chuyên gia Đoàn Minh Xương đề cập đến trong buổi gặp mặt của 2 đội bóng đá TPHCM với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên mới đây. Theo ông Đoàn Minh Xương, công tác phát triển bóng đá trẻ, bóng đá học đường của TPHCM vẫn rất tốt, vấn đề là khi kết thúc giai đoạn đào tạo từ 11 đến 15 tuổi thì... chẳng biết phải làm gì kế tiếp, vì các CLB chuyên nghiệp không có các tuyến U để nhận người về.
Mô hình đào tạo hiện tại của nhiều môn thể thao TPHCM đang mắc sai lầm tương tự. Một trong những “lò ấp” được ngành thể thao thành phố xây dựng để giải quyết các vấn đề ngắn hạn đó là Trung tâm huấn luyện đỉnh cao đặt tại khuôn viên trường đua Phú Thọ cũ. Vì nhiều lý do, trung tâm huấn luyện vẫn chưa thể xây dựng.
20 năm trước, VĐV mới 16-17 tuổi đã được các CLB thể thao trong thành phố tranh thủ “rước” về và có cơ hội tập, thi đấu với các đàn anh nên tài năng phát triển rất sớm. Việc đầu tư thể thao có tính chiều sâu đó đã giúp cho thành phố trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương. Nhưng từ năm 2002 đến nay, sự tồn tại của các đội bóng đá trung bình chỉ 5-7 năm và gần như không đội nào sở hữu các tuyến U nhằm tạo sự gạch nối liền mạch giữa đào tạo và đỉnh cao. Thế nên, sau một thời gian thi đấu không đạt thành tích, không nhận ưu đãi từ địa phương, thì... tự động “biến mất”.