1-Không còn “chiếc Áo giáp màu Xanh”, của một chiến binh Xanh quen thuộc, Lampard trở nên khác lạ với bộ cánh màu đen, trong cương vị “thuyền trưởng” của Derby. Nhưng ánh mắt sắt đá ấy, cái thần thái của một kẻ kiên gan ngày ấy, một cầu thủ không phổi từng nhiều lần dũng cảm đứng ra gánh vác đại cục cho Chelsea – như khi Chelsea mất John Terry trong trận bán kết lượt về ở đấu trường Champions League 2011-2012, và lâm vào thế bị Barcelona vây hãm tứ bề, thế mà vẫn đứng vững và lội ngược dòng ngoạn mục – vẫn là không hề thay đổi.
“Một ngày khoác chiếc áo màu Xanh, mãi mãi được yêu mến”, dù dáng vẻ bề ngoài có ít nhiều thay đổi, dù Lampard đã già đi khá nhiều, kể từ khi theo nghiệp HLV, nhưng đám đông CĐV trên khán đài sân Stamford Bridge vẫn không thể quên được bóng hình anh, và dành cho anh những tình cảm trân quý nhất. Cả SVĐ đã đứng cả dậy, vỗ tay chào đón người hùng năm nào. Anh đã trở thành “kẻ thù” ở phía bên kia trận tuyến, nhưng chắc chắn vẫn là “kẻ thù” được người của Chelsea trân trọng nhất, yêu mến nhất, nhung nhớ nhất!
2-Derby đã suýt làm nên chuyện với lối chơi triển khai bóng cực nhanh. Dù phải chịu 2 bàn thua khá nhanh, khá “trời ơi” do Fikayo Tomori (một “chiến binh đánh thuê” của Chelsea) và Richard Keogh tự đốt lưới nhà, nhưng họ cũng nhanh chóng có 2 bàn thắng gỡ hòa nhờ công của Jack Marriott và Martyn Waghorn bằng phong cách lên bóng cực nhanh và khoan sâu vào 2 nách của hàng hậu vệ Chelsea. Sau đó, Chelsea nâng tỷ số lên 3-2 nhờ công của Cesc Fabregas, nhưng mọi chuyện có thể đã khác nếu David Nugent không sút chạm cột dọc vào phút cuối cùng…
Bất chấp việc không có “sao số” nào trong tay, Lampard ở cương vị mới, ở một chiến tuyến mới ngoài Chelsea, vẫn xây dựng được một đội hình Derby khá tươm tất. Triết lý chơi bóng tấn công cực nhanh của Lampard đã được những cầu thủ kém danh ở Derby “luyện tập” thành thục. Không phải tự nhiên mà Lampard và các học trò đã đánh bại Manchester United của ông thầy cũ Jose Mourinho ở vòng đấu trước và suýt làm nên chuyện trước Chelsea ở vòng đấu này. L8 của Chelsea đang có những bước đi đầu tiên, dù còn khá chập chững, nhưng đầy hứa hẹn.
3-Ngày về của Lampard cuối cùng đã không trở thành “bi kịch” cho chàng hậu vệ già nua Gary Cahill, một người “bạn già” của Lampard. Nó cũng không phải là cú sốc cho những “chuyên viên dự bị” như Emerson hay Andreas Christensen. Sự chậm chạp của Cahill nói riêng và của hàng hậu vệ 4 người của Chelsea nói chung, đã không phải trả giá quá đắt vì rốt cuộc Chelsea cũng đã giành được chiến thắng. Ít nhiều, “món quà” (mà nhiều người đùa là “món quà tri ân”) từ hàng thủ đội bóng của Lampard đã tạo nên cục diện thuận lợi cho Chelsea trong trận đấu rạng sáng nay. Nhưng đó, một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cho Ban lãnh đạo của Chelsea trong việc đầu tư tăng cường lực lượng. Khoảng cách giữa đội hình 1 và đội hình 2 khác biệt quá xa, đơn giản như việc con số 1 luôn luôn đứng trước con số 2 vậy.
Lampard, cuối cùng lại nói lời tạm biệt với sân Stamford Bridge. L8 đã thất bại trong lần quay trở về, nhưng vẫn giành chiến thắng trong trái tim các True Blue, cả về những ân tình cống hiến trong quá khứ, lẫn về chuyên môn cầm đội bóng ở thời điểm hiện tại. Và nhiều người tin rằng, lời tạm biệt này không dài lâu, vì sẽ có một ngày, anh quay trở lại nơi đây, không phải với tư cách của một đối thủ, mà mang trên mình trọng trách dẫn dắt Chelsea trong cương vị của một HLV!