Vua đá phủi là “trùm” sửa ống nước
Nhắc đến “vua phủi” Nguyễn Văn Cáp (tức Capdervilar) cùng với Tuấn Vinh, đừng nói là giới phủi Sài thành, mà còn cả miền Nam ra miền Trung hay miền Bắc cũng biết đến cặp đôi nổi tiếng này. Họ được xem là cặp đôi ăn ý nhất mà bóng đá phủi từng sản sinh, cùng nhau chinh phục không ít danh hiệu lớn nhỏ từ Nam chí Bắc. Và trùng hợp hơn cả, bóng đá kéo họ đến với công việc cũng rất giống nhau: công nhân Công ty Cấp nước Thủ Đức.
Giao hàng, tài xế cũng “đá chầu”
Trước khi trở thành một nhân viên ngân hàng, “ông già gân” Quốc Dejong (tên thật là Nguyễn Như Anh Quốc) lại được xem là “người vận chuyển” khi làm công việc giao hàng. Ngày ngày trên chiếc xe số, “thánh bào” gốc Huế rong ruổi trên từng tuyến phố, hang cùng ngõ hẻm ở TPHCM để giao hàng. Khi đó, anh còn là nhân viên của Công ty Lê Bảo Minh, vốn cũng có đội bóng phủi tiếng tăm.
Tranh thủ những giờ đi giao hàng, Quốc Dejong lại “bớt” chút thời gian để ra sân khi có kèo, sau đó lại khoác lên mình bộ đồng phục công ty để tiếp tục công việc. Vất vả là vậy, nhưng Quốc Dejong luôn biết cách sắp xếp quỹ thời gian hợp lý để luôn hoàn thành công việc, nhưng cũng luôn ra sân cùng đồng đội ở mỗi giải đấu và tất nhiên, tổ đấu của anh đã ra sân thì chức vô địch khó thoát khỏi tay họ.
“Thoắt cái đã hơn 10 năm từ ngày vào TPHCM, tôi cũng đã có một công việc khá ổn định. Thêm vào đó, được đi cùng tổ anh em “vua phủi”, “thánh bào” trên khắp mọi miền đất nước, đúng với đam mê của mình nên phần nào tôi cũng thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Còn với biệt danh của mình, tôi thấy nó cũng khá thú vị và phần nào hợp với lối chơi máu lửa của mình, chứ không phải là đá xấu, nên cũng vui vẻ khi anh em gọi tôi như vậy. Thậm chí nick name facebook của tôi cũng là Quốc Dejong”, Quốc Dejong vui vẻ tâm sự.
Cũng giống như Quốc Dejong, Đạt “mập” cũng có nghề tay trái là lái xe công nghệ. Dù vậy Đạt “mập” có phần “sang chảnh”’ hơn khi anh có hẳn chiếc xe hơi 4 chỗ, vừa là phương tiện đưa đón khách mỗi ngày và cũng là phương tiện để anh chở các chiến hữu của mình ngược xuôi các tỉnh mỗi khi đấu giải. Đáng nói, anh không chỉ đa năng trên sân bóng mà cho còn là một “thợ” nướng sườn (vì nhà có quán cơm tấm). Thậm chí lúc rảnh rỗi, anh còn làm luôn nhiệm vụ thợ sửa loa thùng cho bà con lối xóm. Mới đây nhất, Đạt “mập” còn bổ sung vào bộ sưu tập những nghề tay trái của mình, đó là buôn bán trên mạng. Xem ra, Đạt “mập” có lẽ là “thánh bào” có nhiều nghề nhất của làng phủi Sài thành.
Sáng làm xây dựng, tối làm người hùng SPL
Chức vô địch Giải Ngoại hạng phủi Sài Gòn mùa 2 (SPL-S2) của Sài Gòn Minh Cảnh FC mang đậm dấu ấn của Trung “độ” (tên thật là Nguyễn Văn Trung). Anh chính là tác giả bàn thắng ở giây cuối cùng trận đấu giữa Sài Gòn Minh Cảnh FC với Song Hùng FC, để mang về chức vô địch cho đội nhà cùng tấm vé dự vòng chung kết tại Hà Nội.
Trung “độ” vốn đã nhẵn mặt ở làng phủi miền Nam, cũng giống như những chiến hữu khác, anh cũng phải có thêm “nghề tay trái” ngoài đá phủi để lo cho cuộc sống. Anh vốn dĩ là một nhân viên văn phòng của Công ty Xây dựng Minh Cảnh, rồi kiêm luôn vai trò giám sát công trình, thậm chí có thời điểm anh còn phải xắn tay vào để công việc diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. Để làm được việc đó, Trung “độ” phải có mặt ở các công trình do công ty phụ trách, kiểm tra kết cấu, vật liệu, các hạng mục xây dựng.
Sau những giờ làm việc như vậy, cầu thủ từng chơi futsal chuyên nghiệp này lại lang thang trên từng sân bóng đá để duy trì đam mê mà anh từng theo đuổi và cũng như một cách kiếm thêm thu nhập sau những trận đấu được các ông bầu mời gọi. Nhờ có nền tảng từng chơi chuyên nghiệp, nên dù công việc vất vả, Trung “độ”’ vẫn luôn duy trì được phong độ cũng như thể lực ổn định trên sân phủi.
Capdervilar, Tuấn Vinh, Quốc Dejong, Đạt “’mập” hay Trung “độ” đều là một gam màu nhỏ trong bức tranh đa sắc màu của làng phủi Sài thành. Ở đó, mọi cầu thủ đều có công việc khác nhau, bận rộn và tất tả, nhưng lại có chung một tình yêu: bóng đá phủi! Chính những con người ấy, cùng cộng đồng bóng đá phủi TPHCM, Hà Nội đã cùng tạo nên bầu không khí sôi động, nét đẹp rất riêng. Và họ đáng được trân quý ở chỗ không từ bỏ đam mê dù luôn nặng trĩu trên vai chuyện mưu sinh, gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”.