Sở dĩ bóng chuyền (cũng như một số môn tập thể khác) không được chọn vào nhóm đầu tư trọng điểm là do khả năng tranh đoạt thành tích ở đấu trường châu Á không cao.
Nếu muốn tham dự những giải đấu quan trọng ở châu Á hoặc thế giới, ngoài những lần được mời miễn phí, bóng chuyền Việt Nam chỉ biết dựa vào công tác vận động tài trợ từ VFV. Thế cho nên, việc “được đi” hay “làm khán giả qua truyền hình” của ASIAD đối với người làm bóng chuyền cũng không quan trọng, vì nó đã trở nên quá quen thuộc với họ rồi.
Trước kia, VFV còn nhận tài trợ từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gần chục tỷ đồng/năm, đôi khi các đội tuyển còn được để ý, được tăng chút ít chế độ tiền công, tiền ăn, tiền thưởng... Giờ đây, với cung cách hoạt động của ban chấp hành mới, vừa yếu chuyên môn vừa chủ động “thân ai nấy lo”, nên nguồn kinh phí vận động từ xã hội không nhiều, hoặc nếu có cũng rất nhỏ giọt. Điều này gây ngạc nhiên lớn vì Chủ tịch VFV đang là chủ một doanh nghiệp cỡ bự trong ngành thể thao.
Thành thử, các đội tuyển đừng mong được VFV trợ giúp để cụ thể hóa giấc mơ tham dự ASIAD 18. Lần gần nhất, đội tuyển bóng chuyền nam được dự ASIAD là năm 2010 và xếp hạng 16 chung cuộc. Trong khi đó, từ sau lần xuất hiện ở ASIAD 2006, đội tuyển bóng chuyền nữ cũng bị loại khỏi danh sách đầu tư cho đấu trường này, dù thời điểm đó họ đang xếp hạng 7 châu Á.
Thật ra, nếu dựa vào tiêu chí kiểu như “phải có khả năng tranh chấp huy chương mới được đầu tư” của ngành TDTT thì bóng chuyền khó lọt vào danh sách Đoàn thể thao Việt Nam đến ASIAD. Nhưng ngay cả khi được “bật đèn xanh” như nhiều môn thể thao khác, đó là xã hội hóa nguồn kinh phí cho đội tuyển, thì bóng chuyền cũng không làm được.
Đây là điều đã diễn ra lâu nay, dù có thời điểm VFV rất rủng rỉnh tiền bạc, được xếp vào diện liên đoàn thể thao giỏi vận động tài trợ. Vì thế, giới làm nghề mới bức xúc cho rằng “phải xem lại cái tâm và cái tầm của nhà lãnh đạo VFV”. Rõ ràng, đây là thời điểm bóng chuyền Việt Nam xuất hiện nhiều tài năng, lại chứng minh được trình độ của mình ở những giải đấu quốc tế mà họ tham dự, thì càng cần phải tập trung bồi dưỡng, tạo điều kiện cho thi đấu quốc tế, nơi mà kinh nghiệm và những bài học thu về là vô cùng…
Muốn bóng chuyền Việt Nam chuyển mình lên chuyên nghiệp, cạnh tranh được thành tích ở đấu trường châu Á mà không đầu tư và chỉ biết “há miệng chờ sung”, quả thật những nhà quản lý nên xem lại chính mình có thật sự tâm huyết với sự nghiệp bóng chuyền nước nhà?