Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn là niềm hy vọng hàng đầu
“Đến thời điểm này, Daniel Nguyễn là tay vợt có thứ hạng cao nhất trong số các VĐV tham gia SEA Games lần này. Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết để Liên đoàn quần vợt Việt Nam tạo điều kiện cho cậu ấy nhập tịch và thi đấu trong màu áo của tuyển quần vợt Việt Nam ở kỳ SEA Games năm nay”, ông Cương cho biết.
Theo như danh sách đăng ký thi đấu mà BTC mới công bố, Daniel Nguyễn xếp hạng 341 thế giới, là hạt giống số 1 ở nội dung đơn nam môn quần vợt. Anh xếp trên hạt giống số 2, tay vợt người Thái Lan Wishaya Trongcharoenchaikul những 285 trên bảng điểm xếp hạng thế giới. Tay vợt 24 tuổi người Thái Lan hiện xếp hạng 626 thế giới. Trong khi đó, Lý Hoàng Nam của Việt Nam, với thứ hạng 661 thế giới, là hạt giống số 3.
Ông Cương chia sẻ: “Daniel Nguyễn có thứ hạng cao nhất ở nội dung đơn nam, còn Hoàng Nam là chính một ẩn số, sau giải chúng ta sẽ có kết quả xác thực. Thực tế, chúng tôi không đặt ra mục tiêu cụ thể là phải đổi màu huy chương nào, ra sao, mà chỉ nhắm đến việc đạt được thành tích tốt nhất, vì không muốn tạo gánh nặng áp lực cho các tay vợt. Ở nội dung dành cho nữ, sẽ là rất khó để tranh đoạt huy chương, vì các đối thủ đến từ Malaysia, Philippines đều rất mạnh, vào đến tứ kết, cũng sẽ phải đối đầu với những tay vợt khó nhằn”.
Dù vậy, trong buổi nói chuyện bên lề, Lãnh đội Nguyễn Kim Cương không giấu giếm niềm tin khi nói về Daniel Nguyễn, người được kỳ vọng sẽ giành được tấm HCV lịch sử cho quần vợt Việt Nam, sau nhiều năm chỉ biết đến “thời kỳ đồ đồng”. Với thứ hạng cao và kinh nghiệm trận mạc dày dạn, từng thi đấu ở nhiều đấu trường khác nhau, cả từ mặt trận Grand Slam danh giá đến các giải đấu cấp thấp hơn như Challenger, hệ giải ITF, Daniel Nguyễn sẽ không e ngại bất kỳ ai ở giải đấu như là SEA Games này.
Tay vợt Việt kiều Daniel Nguyễn (cha mẹ đều là người Việt), tên đầy đủ là Daniel Cao Nguyễn, sinh năm 1990, hiện xếp hạng 341 thế giới, từng leo lên thứ hạng 189 thế giới hồi năm 2005 và từng tham dự US Open hồi năm 2009, nội dung đôi nam. Sau khi trở về Việt Nam khoác áo CLB Hải Đăng Tây Ninh, nhờ sự hỗ trợ của Liên đoàn quần vợt Việt Nam, anh đã kịp nhập tịch Việt Nam vào ngày 28-10 và nhanh chóng hoàn tất thủ tục để đại diện cho màu áo quê hương để tham dự SEA Games 2019. Anh là tay vợt có thứ hạng đơn cao nhất trong môn quần vợt nam. |
Bị “làm khó”, tuyển quần vợt Việt Nam vẫn thông cảm cho BTC
Trước đó, ông Cương cũng đã kể lại những khó khăn ban đầu của đội tuyển quần vợt Việt Nam khi vừa đặt chân lên đến Philippines, từ khâu đón rước thiếu hợp lý của BTC, khiến đội về đến khách sạn rất muộn, khoảng 10 giờ 30 tối hôm trước (29-11), lẫn những bất cập trong việc xếp lịch tập luyện vào sáng nay tại Trung tâm quần vợt, với 10 đội tuyển đăng ký nhưng chỉ có 6 sân tập, và BTC lại đòi sân sớm để chuẩn bị cho Lễ khai mạc. Tuy vậy, Lãnh đội Nguyễn Kim Cương vẫn muốn mọi người chia sẻ và thông cảm cho BTC giải.
“BTC bố trí đón tiếp các đoàn “trước hai sau một”, đó chính là câu “phàn nàn” khá nhẹ nhàng của ông Nguyễn Kim Cương - Lãnh đội của tuyển quần vợt Việt Nam tại kỳ SEA Games lần này, khi cánh phóng viên muốn ông chia sẻ về những khó khăn mà các tuyển thủ quần vợt vừa phải trải qua ở thời điểm vừa đặt chân đến đất nước Philippines, để chuẩn bị cho hy vọng “đổi màu huy chương”.
“Tuy đó là khó khăn, nhưng dù sao, các đội khác, và chúng tôi, cũng phải chủ động để tự chuẩn bị cho bản thân một cách tốt nhất”, sau câu phàn nàn “nhẹ nhàng” ông Cương nhanh chóng tìm cách “gỡ điểm” cho BTC giải, “Theo quan điểm cá nhân của tôi, BTC đã làm hết sức mình để tạo điều kiện cho Đại hội được diễn ra tốt đẹp. Trong bối cảnh như hiện nay, các nước cũng nên chia sẻ vì đây là khó khăn chung chứ không riêng của ai.
“Về chuyện phải tập luyện vào giữa trưa, hay lúc 12 giờ, do quần vợt là một môn thể thao đặc thù, thường xuyên thi đấu suốt cả ngày, không không có thời gian ấn định trước, thế nên việc tập luyện lúc mấy giờ, giữa trưa hay quá muộn, cũng không phải là vấn đề của chúng tôi”, ông Cương chia sẻ.