Khai mạc SEA Games 32: Sứ mệnh hòa bình của thể thao

Tối 5-5, lễ khai mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2023 (SEA Games 32) được tổ chức trọng thể ở sân vận động quốc gia Morodok Techo (Phnom Penh, Campuchia). Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự sự kiện.
Toàn cảnh lễ khai mạc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Toàn cảnh lễ khai mạc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ thời điểm được Hội đồng tổ chức SEA Games trao quyền đăng cai đến khi Thủ tướng Hun Sen tuyên bố khai mạc SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia đã trải qua 8 năm chuẩn bị, với tổng đầu tư hơn 300 triệu USD để phục vụ 37 môn thi đấu trong 12 ngày chính thức của Đại hội.

Một tháng đếm ngược cho ngọn lửa thiêng được thắp sáng ở kỳ đài, cả Đông Nam Á đã nói rất nhiều về kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức ở Campuchia. Một kỳ SEA Games không thu phí: Từ bản quyền truyền hình, vé vào xem các sự kiện, đến chuyện đài thọ ăn, ở cho các đoàn thể thao - điều chưa từng có trong lịch sử Đại hội. Thông qua đăng cai SEA Games, nước chủ nhà muốn lan tỏa hình ảnh về một quốc gia hiếu khách và thân thiện.

Ngay khẩu hiệu: “Thể thao: sống trong hòa bình” cũng thể hiện ước vọng đoàn kết của Campuchia với cộng đồng thế giới. Trong 60.000 người xuất hiện trong đêm khai mạc, chúng tôi bắt gặp những cổ động viên xứ Chùa Tháp ngồi xen lẫn với những vị khách quốc tế, hình ảnh giới truyền thông chủ nhà chào đón đồng nghiệp nước bạn với nụ cười niềm nở trên môi. Trong không khí đầy tình thân, mọi người đã cùng nhau tận hưởng những tinh hoa của văn hóa Campuchia.

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Với thời lượng kéo dài 120 phút, gồm 3 chương: Sự huy hoàng Angkor, Nụ cười Khmer và Tương lai của người Khmer, Ban tổ chức SEA Games 32 mong muốn giới thiệu lịch sử hình thành và truyền thống của vùng đất Khmer, bên cạnh tôn vinh Angkor - niềm tự hào của Campuchia, và đích đến chính là tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực. Nước chủ nhà đã chào đón bạn bè quốc tế bằng những tiết mục nghệ thuật truyền thống, đan xen các giai điệu sôi động, được hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại và pháo hoa đã làm buổi lễ trở nên lung linh trong thế giới ánh sáng.

SEA Games 32 đã khởi tranh hơn 1 tuần với những môn bóng đá, bóng chuyền, cờ ouk chaktrang... nhưng từ hôm nay, sự kiện chính thức đưa giới mộ điệu đến với 12 ngày tranh tài sôi động của thể thao khu vực, mở ra những chiến thắng trong sự cao thượng - hữu nghị và tình đoàn kết giữa các quốc gia khu vực.

Thêm một kỳ SEA Games kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vinh dự được chọn cầm quốc kỳ, dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam diễu hành qua lễ đài. Đã quen với việc giương cao lá cờ đỏ sao vàng ở nghi thức diễu hành của một sự kiện thể thao quốc tế, nhưng cảm xúc của “rái cá sông Gianh” vẫn bồi hồi và xúc động như thuở ban đầu. Đứng ngoài sảnh chờ, Huy Hoàng tập lại nhiều lần động tác phẩy cờ, vuốt lại quốc kỳ thật thẳng tắp, để khi tiến vào bên trong bằng niềm tự hào và hãnh diện.

Vươn cao, vươn xa cũng là thông điệp của thể thao Việt Nam thời hội nhập. Tất nhiên, để chạm đến những nấc thang mới ở đấu trường Olympic hay Asiad, đoàn thể thao Việt Nam cần phải hoàn thành đích nhắm 90 đến 120 HCV tại SEA Games 32, để hy vọng nằm trong tốp 3 trên bảng tổng sắp huy chương.

Tin cùng chuyên mục