Hơn 3.000 người “cầm cân nẩy mực” tại SEA Games 31

Trọng tài là lực lượng quan trọng nhất của bất kì SEA Games nào và trong lần tổ chức SEA Games 31 này, chủ nhà Việt Nam dự kiến sẽ có đông đảo hơn 3.000 trọng tài tham gia công tác phục vụ các môn thi đấu của Đại hội. Trên hết, giới chuyên môn và người hâm mộ luôn cần sự công tâm ở những người “cầm cân nẩy mực” quyết định kết quả cuối cùng này.

Lực lượng trọng tài SEA Games 31 sẽ rất đông đảo nhưng luôn cần sự công tâm. Ảnh: TRƯƠNG KHỞI
Lực lượng trọng tài SEA Games 31 sẽ rất đông đảo nhưng luôn cần sự công tâm. Ảnh: TRƯƠNG KHỞI

Cơ hội cho trọng tài Việt Nam rèn luyện

Ban tổ chức chủ nhà Việt Nam của SEA Games 31 dự kiến sẽ đón 1.290 trọng tài quốc tế và 2.085 trọng tài quốc nội tham gia điều hành và phục vụ các nội dung thi đấu của 40 môn thể thao tổ chức tại Đại hội lần này ở Hà Nội và 11 tỉnh, thành lân cận.

“SEA Games tổ chức tại Việt Nam là một cơ hội tốt để các trọng tài Việt Nam được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm tham gia điều hành đấu trường Đại hội quốc tế. Do vậy, chúng tôi khuyến khích các bộ môn và Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tạo điều kiện cho những trọng tài có chuyên môn tốt nhất ở môn của mình đăng kí tham gia điều hành, phục vụ SEA Games 31 ở Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn từng chia sẻ.

Hiện tại, quân số trọng tài Việt Nam đang được các bộ môn rà soát để lên số lượng đăng kí cuối cùng nhưng có thể thấy với hơn 2.000  người, lực lượng của chủ nhà rất hùng hậu. Trọng tài cầu lông quốc tế Nguyễn Phạm Duy Anh từng trao đổi, với các quốc gia chủ nhà trong bất kì Đại hội nào, đội ngũ trọng tài là chủ lực ở công tác điều hành tổ chức thi đấu nhưng cũng gặp không ít áp lực bởi nếu để xảy ra sai sót thì sẽ làm mất hình ảnh của nơi tổ chức.

Vì vậy, việc đào tạo, tập huấn trọng tài là cần thiết. Lúc này, tất cả các bộ môn đã tổ chức lớp tập huấn trọng tài trong nước ở môn thể thao của mình để làm quen với luật thi đấu mới (nếu có bổ sung) và trang thiết bị mới cùng chuyên môn điều hành SEA Games. Thực tế trong hơn 2.000 trọng tài của Việt Nam, chúng ta chỉ có số ít trọng tài cấp quốc tế và từng dự SEA Games hoặc một số cao hơn đã tham gia điều hành tại Asian Games. Còn lại, tất cả hoàn toàn... mới với SEA Games. “Chúng tôi có lực lượng trọng tài tham gia điều hành SEA Games nhưng thực tế, cử tạ chưa có nhiều trọng tài Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để tới với các đấu trường Asian Games hay một lần được tới Olympic điều hành. Vì thế, giải đại hội của khu vực là dịp tốt cho trọng tài được thực nghiệm”, Tổng thư kí Liên đoàn thể hình & cử tạ Việt Nam – ông Đỗ Đình Kháng bày tỏ.

Hơn 3.000 người “cầm cân nẩy mực” tại SEA Games 31 ảnh 1 Lực lượng trọng tài SEA Games 31 sẽ rất đông đảo nhưng luôn cần sự công tâm. Ảnh: TRƯƠNG KHỞI

Tính công bằng là trên hết

SEA Games luôn xảy ra những tranh cãi về công tác trọng tài. Với bất kì đoàn thể thao nào, tính công bằng luôn được chờ đợi và yêu cầu phải tốt nhất trong các cuộc tranh tài ở Đại hội. Đặc biệt, với những môn võ thuật, không thiếu trường hợp bức xúc về trọng tài điều hành từ VĐV tại các kì thi đấu trước. Đơn cử ở SEA Games 30-2019, trong môn quyền Anh (boxing), tuyển thủ Trương Đình Hoàng và đội boxing Việt Nam từng không khỏi bức xúc khi kết quả thi đấu trận chung kết hạng 81kg khi đó đã không đúng như chuyên môn diễn ra trên sàn và VĐV của chúng ta phải chấp nhận việc thua trận.

“Mỗi môn thi đấu đều có ban giám sát trọng tài, do vậy, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á luôn đề cao tính công bằng và sự minh bạch trong chấm điểm hay quyết định kết quả thi đấu ở các môn thể thao”, đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam đã trao đổi.

Bây giờ, một số môn thi đấu áp dụng các phương tiện điện tử hỗ trợ, đơn cử taekwondo có giáp điện tử, mũ điện tử trang bị cho VĐV vì thế sự quyết định về điểm số chuyên môn của trọng tài có thể giảm bớt áp lực nhưng họ vẫn là người “cầm cân nảy mực” quan trọng trên sàn đấu.

Thể thao Việt Nam đã tổ chức các kì Đại hội như SEA Games, Đại hội thể thao trong nhà châu Á, đại hội thể thao bãi biển châu Á... nên chúng ta không thiếu kinh nghiệm về tập huấn và chuẩn bị trọng tài. “Khi có đội ngũ trọng tài quốc tế cùng điều hành, trọng tài Việt Nam sẽ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và tất cả họ đều luôn được yêu cầu phải đảm bảo sự công bằng trong kết quả thi đấu và như thế Đại hội khu vực mới được khán giả cổ vũ hết mình”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh đã trao đổi.

Tin cùng chuyên mục