Hội thảo thể thao của ngành được tổ chức trung tuần tháng 11

Ngành thể thao Việt Nam sẽ tập trung để thực hiện Hội thảo chuyên môn đúng như kế hoạch đề ra nhằm có những giải pháp, góc nhìn thực tế từ đó giúp xây dựng những chương trình, hướng đi hiệu quả hơn vào việc đào tạo, đầu tư chuyên môn...
Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo để có những góc nhìn và sự tiếp thu ý kiến toàn diện nhất. Ảnh: CỤCTDTT
Thể thao Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo để có những góc nhìn và sự tiếp thu ý kiến toàn diện nhất. Ảnh: CỤCTDTT

Tháng 11 sẽ giải quyết xong

Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt đã cho biết trung tuần tháng 11 này, Hội thảo chuyên ngành của thể thao Việt Nam sẽ được tổ chức. “Hội thảo sẽ là một cuộc tọa đàm chuyên môn về thể thao Việt Nam và chắc chắn được tổ chức nghiêm túc, có giá trị. Chúng tôi dự kiến mời chuyên gia hiểu về thể thao, những nhà quản lý hiện tại và những nhà cựu quản lý và giới truyền thông tham dự để làm sao đưa ra các vấn đề xây dựng cho thể thao chúng ta hoạch định về đầu tư hiệu quả, chính xác hơn nữa”, ông Đặng Hà Việt cho biết.

Hẳn nhiên, nhà quản lý đã chứng kiến những kết quả mà các đội tuyển thể thao quốc gia giành được tại SEA Games 32 (cấp độ đấu trường khu vực) và tại ASIAD 19 (cấp độ đấu trường châu lục). Nhưng nếu bảo những thành tích ấy đều là sự hài lòng thì chưa đúng. Thể thao Việt Nam còn nhiều mặt chưa được. Dù cho, thành tích, con số huy chương đạt chỉ tiêu như đề ra tại SEA Games 32 và ASIAD 19. “Thành tích tại ASIAD 19 đảm bảo được như chỉ tiêu đề ra trước khi thi đấu nhưng riêng ở góc độ về chuyên môn, chúng tôi thấy chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và tất cả là chưa hoàn hảo”, ông Đặng Hà Việt cho biết thêm.

Cần một sự đầu tư tổng thể, đây chính là bài toán mà ngành thể thao đang muốn tìm những lời giải cụ thể. Các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý hay đại diện của các cơ quan liên quan sẽ là nguồn thông tin đóng góp thêm cho đơn vị quản lý trực tiếp lĩnh vực thể thao là Cục TDTT tiếp nhận để phân tích và xây dựng một chiến lược đầu tư, đào tạo phù hợp nhất. Sự khó khăn nhất vẫn nằm ở câu chuyên nguồn lực.

Tức là, thể thao Việt Nam cần có thêm tiền đầu tư. Khi nguồn kinh phí Nhà nước cấp trong một năm làm việc chỉ vừa đủ (ngành thể thao được cấp hơn 890 tỉ đồng nội tệ để hoạt động năm 2023), các môn thể thao vẫn cần nhất sự làm việc hiệu quả từ các Liên đoàn, Hiệp hội môn thể thao của mình để tìm thêm nguồn tài trợ xã hội hóa đầu tư cho công tác chuyên môn, phát triển phong trào hay tổ chức giải đấu. Vấn đề này không mới, nhưng chắc chắn vẫn được đưa ra ở Hội thảo chuyên môn tới đây.

Các bộ môn có vai trò quan trọng

Các Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục TDTT) đã yêu cầu từng bộ môn làm việc cụ thể và sát sao với các đội tuyển thể thao quốc gia từ đó đưa ra những đánh giá, phân tích chuyên môn từ sau các đấu trường SEA Games 32, đặc biệt tại ASIAD 19 vừa qua. Môn thể thao của mình cần điều gì để thay đổi, phát triển hơn là cán bộ quản lý bộ môn hoàn toàn hiểu được.

Điều mà nhiều đội tuyển thể thao quốc gia về thành tích cao chờ đợi đó là ngành thể thao phải xây dựng và tham mưu cơ chế tới Bộ VH-TT-DL từ đó tuyển dụng được những chuyên gia đặc thù về dinh dưỡng thể thao, tâm lý thể thao làm việc cùng các HLV, VĐV. Ngoài ra, trang thiết bị phải được trang bị đầy đủ thì HLV, VĐV mới toàn tâm tập luyện, thi đấu.

Trong chia sẻ của các đội tuyển quốc gia khi tập luyện chuyên môn trước những đấu trường quan trọng thì mọi người chung cảm nhận là họ gặp khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chuyên môn hỗ trợ, bổ trợ chưa đầy đủ. Dù thế, ra tranh tài, HLV, VĐV thể thao Việt Nam luôn hết mình vì màu cờ sắc áo quyết tâm giành thành tích huy chương. Sau những phút vinh quang ấy, Bộ VH-TT-DL ít khi có sự tái đầu tư vào cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn. Gốc rễ của vấn đề là cơ sở, trang thiết bị thể thao của chúng ta chưa tương xứng chưa tốt nhất. Điều này đã thấy rõ tại các Trung tâm HLTTQG mà nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam đang tập tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Thể thao Việt Nam có khu thể thao Quốc gia Mỹ Đình nhưng nhiều trang thiết bị còn bỏ không và rất ít đội tuyển thể thao quốc gia như bơi, điền kinh... được tới đây tập luyện. Đây cũng là một giải pháp cần giải quyết triệt để.

Tin cùng chuyên mục