Theo hãng tin Reuters, nhóm điều tra này gồm nhiều quan chức chính phủ, các chuyên gia an ninh và bóng đá của Indonesia đã phối hợp cùng nhau để tìm ra nguyên nhân gây nên tấn thảm kịch bi thương vừa rồi, cũng chính là trả lời câu hỏi mà rất nhiều gia đình nạn nhân đang ấm ức trong lòng. Báo cáo dài 124 trang của nhóm điều tra này đã được trình lên Tổng thống Indonesia Joko Widodo xem xét.
Theo ông Mohammad Mahfud Mahmodin, nhóm điều tra đã phát hiện khi thảm họa xảy ra, các nhân viên an ninh đã không ý thức được việc hơi cay bị cấm sử dụng tại các trận thi đấu bóng đá, cho nên biện pháp này đã được sử dụng một cách cẩu thả và quá mức cho phép. Đấy là lý do chủ yếu gây nên sự hỗn loạn, các cổ động viên giẫm đạp lên nhau để thoát khỏi đám khói độc và rất nhiều người đã trở thành nạn nhân xấu số.
Lâu nay, FIFA vốn dĩ đã cấm sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông bên trong sân vận động trên khắp thế giới, cho nên, việc lực lượng an ninh Indonesia sử dụng hơi cay khiến nhiều người chết đã đặt Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) vào hoàn cảnh khó khăn, đối diện với sự chỉ trích và không loại trừ cả khả năng bị cấm tổ chức các trận đấu quốc tế, một khi FIFA nhận thấy dấu hiệu PSSI không tuân thủ các quy định mà tổ chức này đề ra.
Một nguyên nhân nữa được nhóm điều tra độc lập đưa ra, đó là lực lượng cảnh sát đã tìm mọi cách để hạ thấp vai trò của mình trong thảm kịch, cho rằng các cánh cửa hẹp trong sân vận động Kanjuruhan quá tải, nên mới tạo ra hình ảnh cổ động viên giẫm đạp lên nhau để thoát thân.
Bên cạnh đó, nhóm điều tra nhấn mạnh rằng PSSI cùng nhà tổ chức trận đấu tại sân Kanjuruhan là PT Liga Indonesia Baru đã quá khinh suất khi bỏ qua các quy định khắt khe về công tác triển khai các phương án an ninh một khi xảy ra sự cố. Chưa hết, nhóm điều tra còn cho rằng những nhà tổ chức đã bán ra 42.000 vé cho trận đấu, trong khi sức chứa tối đa của sân vận động Kanjuruhan chỉ là 38.000 chỗ ngồi.
Nhóm điều tra độc lập thậm chí sau đó đã đề nghị Chủ tịch PSSI là ông Mochamad Iriawan cùng 12 thành viên Ủy ban Điều hành PSSI nên từ chức: “Theo quy định, chính phủ không thể can thiệp vào công việc của PSSI. Tuy nhiên, tại quốc gia có nền tảng đạo đức và văn hóa cao quý, việc Chủ tịch PSSI và các thành viên PSSI từ chức là điều thích hợp. Đây là hình thức chịu trách nhiệm đối với 712 nạn nhân của thảm kịch Kanjuruhan. Khi chúng tôi tổng hợp báo cáo, có 132 người chết, 96 người bị thương nặng và 484 người bị thương nhẹ. Sức khỏe của nhiều người cũng bị ảnh hưởng lâu dài”.
Hôm 11-10, tài khoản Twitter chính thức của cảnh sát thành phố Malang đã đăng tải một bức ảnh cho thấy hàng loạt cảnh sát đã quỳ gối và cúi đầu trên nền đất, kèm theo những dòng chú thích: “Chúng tôi cầu xin sự tha thứ cho thảm kịch xảy ra vào ngày 1-10. Chúng tôi xin lỗi các nạn nhân và gia đình của họ, cũng như Aremania Aremanita (tên nhóm người hâm mộ Câu lạc bộ Arema). Xin hãy chấp nhận lời cầu nguyện của chúng tôi”.