Điều này dẫu có hơi “phũ phàng” nhưng không khó hiểu, bởi lẽ bóng đá với sức hút vô cùng lớn luôn đánh bại mọi “đối thủ” khác ở góc độ truyền thông. Chưa kể, bóng đá có lợi cho cánh phóng viên muốn xây dựng thương hiệu và tên tuổi trên mặt báo càng nhanh càng tốt…
Sức hút của “Vua”
Chúng tôi thường nói vui với nhau, tức là những phóng viên chuyên viết các môn thể thao khác ngoài bóng đá, rằng có một sự “chênh lệch đẳng cấp không hề nhẹ” giữa những người bám mảng bóng đá và người theo đuổi những môn điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ. Thông tin bóng đá luôn ngồn ngộn và cuốn hút, trong nước có các giải đấu V-League, giải U, quốc tế có AFF Cup, Asian Cup, Premier League, Champions League… đá triền miên, chưa kể ở thời công nghệ 4.0 còn bùng nổ với đủ kiểu truyền thông, được đăng tải trên báo in, báo điện tử, YouTube, Facebook hoặc các trang fanpage…
Thành thử, nhất cử nhất động của những cầu thủ như Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Văn Toàn, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng hay kể cả ông thầy của họ, HLV Park Hang-seo, luôn được khai thác đa dạng nhất có thể, không chỉ giúp tăng cao lượng view (người xem) mà còn giúp chính phóng viên bám mảng tăng thêm thu nhập.
Ngược lại, giờ đây không có nhiều phóng viên thực sự bám mảng thể thao thành tích cao. Cứ nhìn vào tỷ lệ nghịch giữa đông đảo phóng viên tham gia tường thuật một trận bóng đá ở sân chơi LS V-League 2020 so với hình ảnh đìu hiu truyền thông tại giải bóng chuyền VĐQG 2020 thì sẽ hình dung được “cán cân” đang nghiêng về mảng nào.
Có lẽ, khi bước đến những đấu trường lớn như SEA Games, Asiad, Olympic, và khi bóng đá chỉ là một trong số hàng chục môn được tổ chức, thì những gương mặt tài năng của điền kinh Việt Nam như Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan hay Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lý Hoàng Nam (quần vợt), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)… mới được quan tâm, mới có những dòng thông tin, câu chuyện về đời thường, đoạn phỏng vấn ngắn về họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ bản, so với mức thu nhập cao của các cầu thủ bóng đá, các tuyển thủ điền kinh, võ thuật, cầu mây, xe đạp, bóng chuyền, bơi lội… xuất thân từ hộ nghèo, vừa hy sinh tuổi thanh xuân cho thể thao nước nhà lại vừa lăn lộn ngoài đời để mưu sinh, chăm bẵm cho gia đình của mình.
Có dạo, ở các sự kiện của bóng chuyền, bóng bàn, những phóng viên trẻ thay vì chú tâm vào trận đấu thì lại tụ tập quanh nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu để nghe ông phân tích về các diễn biến bên dưới sân hòng có thể tường thuật một cách chính xác các diễn biến để độc giả không “bắt giò”. Vốn dĩ nhiều môn thể thao không được ưu ái trên sóng truyền hình trực tiếp, nên khi viết về các sự kiện này, thường phải mô tả đúng về chuyên môn để người đọc, người nghe có thể hình dung.
Đấy là chưa nói, còn phải chuyển tải đúng bầu không khí đặc thù của từng môn. Điều này khác hẳn với cách thể hiện đối với bóng đá, vốn ưu tiên nhiều hơn cho các sự kiện bên lề trận đấu, bởi người hâm mộ có thể xem trực tiếp. Chính vì vậy, cách đây 20 năm, để làm phóng viên thể thao thì thường phải là “dân thể thao” chính hiệu, chuyển nghề sang viết lách.
Viết thể thao không dễ
Những người tâm huyết với các môn thể thao ngoài bóng đá trong giới phóng viên thể thao hiện không còn nhiều. Bóng đá được ưu ái với một tỷ lệ gần như là độc quyền trên các trang báo, trang mạng thông tin thể thao. Thế hệ phóng viên thể thao “đa môn” ngày càng lớn tuổi, trong khi những tay viết trẻ lại chọn bóng đá làm lĩnh vực ưu tiên do áp lực của nghề nghiệp lẫn thị trường cạnh tranh của báo chí hiện nay.
Từ đó, mặc dù nhiều môn thể thao khác vẫn hút khán giả, nhiều người quan tâm nhưng các câu chuyện thú vị, những cuộc đời đa sắc và các góc khuất ngồn ngộn dữ liệu của các VĐV ở những môn thể thao khác trở nên ít ỏi. Thực tế thì chỉ cần “lẩy” một phần cuộc đời ở sự nghiệp của một VĐV điền kinh, chúng ta sẽ có ngay một câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ về nghị lực và đức hy sinh.
Nhưng đúng là để có một câu chuyện như vậy người làm báo sẽ mất nhiều thời gian hơn, cần thêm tư liệu về đời sống hơn, có kiến thức chuyên môn về từng môn thể thao nhiều hơn so với viết về một nhân vật trong bóng đá. Bởi đơn giản, các cầu thủ vẫn thường xuyên tự làm hình ảnh cho mình trên mạng xã hội, chủ động chia sẻ câu chuyện của mình với giới truyền thông. Trong khi đó, đa số VĐV các môn thể thao khác thì lặng lẽ cùng những giọt mồ hôi trên đường chạy, sân tập.
luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông thể thao. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Với các nhà báo có thâm niên thì viết thể thao không dễ chút nào. Không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, viết chắc tay các thuật ngữ chuyên ngành, mà họ còn phải có văn phong nhuần nhuyễn để có thể chuyển tải đến người đọc trọn vẹn cảm xúc, không khí và những chi tiết khô khan trong thi đấu. Thậm chí đã có thời gian, cánh phóng viên chính trị còn “copy” phong cách viết thể thao để tường thuật các cuộc họp để có thể mềm mại hóa tinh thần tranh luận ở nghị trường.
Ngay cả với những trận đấu bóng đá vốn được truyền hình trực tiếp, cũng rất khó viết. Những phóng viên “lão làng” về bóng đá từng mô tả: Một trận đấu có tẻ nhạt đến đâu thì phóng viên có mặt trên sân cũng phải tìm cách “chẻ” ra 4-5 đề tài nhằm có thêm thông tin để độc giả “thưởng thức”. Với các trận đấu hấp dẫn còn phải “chẻ” đến gần chục đề tài, nhằm thỏa nhu cầu muốn biết thêm nhiều hơn của người hâm mộ.