Nói về Torres, ngoại trừ các CĐV Atletico hay Liverpool luôn hết lời ngợi khen, thì với các CĐV Chelsea, họ lại phải luôn “chia ra 2 nửa”. Có thể nói, cùng với “thầy Jose Mourinho”, Torres là nhân vật gây nhiều thị phi nhất trong lòng các True Blue, người yêu mến anh, kẻ ghét bỏ, người thích anh đẹp trai, người “căm” anh không thể ghi bàn cho Chelsea nhiều như kỳ vọng, người đánh giá cao vẻ lãng tử và khả năng lập công trong những trận đấu lớn của anh, kẻ lại sẵn lòng đếm ra những lần anh bỏ lỡ cơ hội, khiến Chelsea thua đau đớn… Để rồi khi anh ra đi, quay về lại với Atletico sau một thời gian lưu lạc ở Milan, anh vẫn để lại cả một giai đoạn đầy thị phi ở nơi đây, tại thảm cỏ xanh Stamford Bridge vẫn lưu dấu vết giày anh một thời.
Nếu bạn hỏi tôi, đâu là cái kỷ niệm mà tôi nhớ mãi về Torres, tôi sẽ nói với bạn, đó là cái khoảnh khắc khi Torres dốc bóng từ bên phần sân nhà, lao sang phần sân Barcelona, ngoặt bóng qua "bóng ma" của Victor Valdes, và đệm bóng vào lưới trống. Với tôi, đó là “bàn thắng đóng đinh lên cỗ quan tài của Barcelona”, nó giúp đặt dấu “!” cho những nỗ lực vẫy vùng cuối cùng của Messi và các đồng đội của anh này, dù trước đó, cú tâng bóng qua đầu Valdes đầy điệu nghệ của Ramires được nhiều fan Chelsea nhận định: “Đó đích thực mới là dấu “.” hết!”.
Torres ngày đó, đã khiến nhiều CĐV Chelsea sung sướng, vì mang đến một kết cục rõ ràng, rằng Chelsea đã đánh bại Barcelona ngay tại thánh địa Nou Camp bằng một kết quả sòng phẳng, chúng tôi thắng bằng 1 trận thắng sân nhà và 1 trận hòa sân khách, chứ không phải chỉ đi tiếp chỉ nhờ vào kết quả ghi được bàn thắng trên sân của đối phương. Sự khác biệt, dù vẫn có chung ý nghĩa là giành vé vào trận chung kết Champions League 2012, nhưng ở đây vẫn là rất lớn và rất rõ. Đó cũng là cảm giác rũ sạch những uẩn ức và nỗi niềm đau đáu khi nhớ về những bất công và đớn đau của trận bán kết Champions League thủa nào.
Và nếu bạn hỏi tôi, đâu là cái kỷ niệm mà tôi nhớ thứ nhì, thì có lẽ, đó là khoảnh khắc mà Torres đi bóng qua một thủ môn lão luyện khác – thủ thành người Brazil Artur Moraes của Benfica – để mở tỷ số trong trận đấu chung kết Europa League mùa giải 2012-2013. Tuy bàn thắng đó cũng không phải là bàn thắng quan trọng nhất trận đấu, nó không thể quan trọng bằng tình huống ấn định tỷ số 2-1 của Branislav Ivanovic, nhưng nó cũng là tiền đề để mở ra một cuộc chiến mà cuối cùng, Chelsea đã giành được chiến thắng chung cuộc, và lần thứ 2 liên tiếp bước lên một đỉnh cao khác của châu Âu.
Còn nếu các bạn hỏi tôi, đâu là kỷ niệm mà tôi muốn… quên đi, gắn liền với hình ảnh của El Nino, tôi sẽ nói đến ngay một tình huống khác nữa khi anh lại lừa bóng qua thủ môn. Đó là khi anh dùng kỹ thuật cá nhân để vượt qua David de Gea trong một trận đấu với Manchester United hồi tháng 9-2011... Đến thời điểm đó, sau khi MU vượt lên dẫn trước 3-0 với thế trận áp đảo hoàn toàn, Torres đã chơi cực hay khi có tình huống xỏ lỗ kim De Gea để rút ngắn tỷ số xuống còn 1-3. Nhưng rồi, đúng vào cái khoảnh khắc định mệnh, nhận đường chọc khe từ Ramires, Torres “đảo chân”, biến De Gea trở thành “gã hề”, bỏ lại thủ môn MU ở phía sau, Torres thong dong dắt bóng đến trước khung thành trống và… dứt điểm ra ngoài trong sự kinh hoàng của tất cả các CĐV từ Sư tử Xanh đến Quỷ đỏ. Pha bóng của Torres, đã biến anh từ người hùng thành tội đồ, và góp phần tạo nên một nhân vật thị phi nhất của Chelsea trong suốt nhiều năm qua.
Nói về Torres, những CĐV Chelsea không thích anh sẽ chỉ nhớ đến những thành tích tịt ngòi dài hằng hà sa số, chuỗi thất vọng và bế tắc suốt nhiều tháng ngày, rồi những tình huống ngã vật ra sân đấu vì không thể tranh chấp bóng tay đôi với hậu vệ đối phương, những pha bóng hỏng ăn vô duyên và cả những tấm thẻ đỏ rất khó chấp nhận. Họ càng ghét hơn, khi rất nhiều Fan của Torres, cố “mạo nhận” là CĐV Chelsea, lao đầu vào những cuộc tranh cãi không có điểm dừng, mà chính tôi từng được chứng kiến, khi kinh hoàng khi đọc được một câu bình luận “kinh điển”, ở thời điểm Torres “kiến tạo” nhiều hơn ghi bàn: “Ai biểu Chelsea… xếp ảnh đá tiền đạo chi để ảnh không thể ghi bàn, sao không chuyển ảnh xuống đá vai tiền vệ dẫn dắt trận đấu (người ta bỏ ra 50 triệu Bảng để mua một trung phong, chứ có phải mua một tiền vệ đâu nhỉ???)”.
Nhưng nói về Torres, với một người không quá yêu – cũng không ghét bỏ như tôi, tôi sẽ nhớ đến những lần anh lăn xả đầy máu lửa, cố cống hiến cho màu áo Xanh như những gì anh đã làm trong màu áo Đỏ, chỉ có điều, vận may, và chấn thương, khi đó đã “gây chuyện” với anh. Nhìn vào Torres, chúng ta cũng thấy bóng dáng của một Rafael Benitex ngày nào. Cả 2 đều có 1 điểm chung, họ không hề yêu Chelsea, chưa bao giờ dành tình cảm cho màu Xanh nhiều như cho Liverpool trong màu áo Đỏ. Nhưng tính chuyên nghiệp của họ là không thể bàn cãi, và khi đang gánh vác trách nhiệm trong màu áo nào, họ sẽ phải chiến đấu cho đến cùng.
Đó là thứ mà Torres mang đến với Chelsea. Anh có thể gây thất vọng, anh có thể tịt ngòi, anh có thể không ghi bàn, sút ra ngoài khung thành từ khoảng cách 5 mét, nhưng anh không cố tình làm như vậy và cứ sau mỗi lần vấp ngã, anh cố gắng đứng lên, gom hết sức tàn lực kiệt, quyết cống hiến thêm một lần nữa cho Chelsea, như-thể-đây-là-lần-cuối-cùng cho đội bóng mà anh khoác áo, bất chấp việc nhiều Fan Chelsea mắng chửi anh như thế nào. Thế nên, dù Torres, có gây nhiều thị phi, dù chính bản thân không hề muốn như vậy, nó vẫn khiến tôi cảm thấy cảm phục và mến mộ anh. Không yêu, không thích, nhưng phải thật sự cảm phục Torres!
Anh sắp sửa dừng lại. Chặng đường đầy những vinh quang và thăng hoa, nhưng cũng có không ít thất bại và cay đắng của anh nhiều khả năng sẽ chấm hết ở Atletico vào cuối mùa này, khi Diego Simeone không còn muốn cưu mang anh trong đội hình của ông nữa. Anh sẽ treo giày? Hay anh sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu sang Trung Quốc? Ai mà biết. Chỉ biết rằng, có thể có nhiều Fan Chelsea không theo dõi anh thường xuyên, nhưng họ vẫn cầu chúc anh gặp nhiều may mắn trên đường đời còn lại của mình.
Chuyện thị phi, giống như dòng nước trôi, giờ thì, đâu còn lại gì ở nơi này nữa? Những tranh cãi xa xưa, hay căng thẳng một thời, giờ đây, cũng đâu còn làm được gì, vì cuộc đời của một cầu thủ, cho dù là Torres đầy màu sắc, hay là bất kỳ ai, thì cuối cùng, cũng sẽ kết thúc để quay trở lại với cuộc sống của một con người bình thường, cố gắng không sân si và tranh đấu với đời. Cuộc đời vốn dĩ vô thường vậy thôi!
Fernando Torres – Chúc mừng sinh nhật muộn của anh, 34 tuổi 1 ngày!