Độc quyền tài trợ V-League, hiểu thế nào cho đúng?

Mùa trước, HA.GL cũng có nhà tài trợ chính (NTT) là nhãn hàng “nước tăng lực”, trong khi NTT của V-League vẫn là Night Wolf. Vậy thì tại sao bây giờ HA.GL nhận tài trợ của Carabao thì lại bị VPF – đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (bao gồm V-League) - tuýt còi?
Đại diện VPF và nhà tài trợ tại buổi lễ ra mắt vào ngày 31-1
Đại diện VPF và nhà tài trợ tại buổi lễ ra mắt vào ngày 31-1

Mấu chốt của mọi chuyện đó là trong điều lệ của V-League được 14 CLB thông qua trước khi mùa giải bắt đầu, có qui định về “độc quyền ngành hàng” dành cho NTT của giải đấu.

Theo qui chế bóng đá chuyên nghiệp, vào đầu mỗi mùa giải, phía đơn vị tổ chức sẽ thông báo cho các CLB về ngành hàng sẽ tài trợ chính và có “độc quyền” hay không. Thời gian thông báo tối thiểu là 2 tháng trước mùa giải nhằm giúp các CLB đàm phán hợp đồng tài trợ riêng lẻ. Có thể hợp đồng tài trợ của Night Wolf đã ký từ mùa trước với thời hạn 3 năm, có điều khoản “độc quyền ngành hàng” nên không cần phải thông báo gì thêm, mặc nhiên các CLB phải nắm rõ trước khi mời gọi tài trợ.

Ở mùa trước, hợp đồng này được ký sau khi HA.GL đã công bố nhãn hàng nước tăng lực nên dù “đụng hàng” thì cũng không thể kích hoạt điều khoản độc quyền. Công ty VPF cũng thừa nhận, nếu HA.GL vẫn giữ NTT cũ, thì chẳng có vấn đề gì xảy ra. Do các hợp đồng của các bên đều có tính bảo mật, nên để rõ đúng – sai thì đấy hoàn toàn là vấn đề pháp lý dựa trên các văn bản. Nguồn gốc của sự việc có lẽ nằm ở điều khoản “độc quyền nghành hàng” vốn là sản phẩm của lịch sử và có tính đặc thù.

Đầu tiên, không thể viện dẫn bất kỳ trường hợp nào trên thế giới để giải thích xung đột hiện thời giữa VPF và HA.GL. Điều khoản “độc quyền ngành hàng” áp dụng linh hoạt chứ không phải qui định căn bản của thương mại bóng đá. Ví dụ như tại Anh, tỷ trọng doanh thu từ tài trợ áo đấu của một CLB Premier League chỉ chiếm khoảng 20-27%, không nhiều hơn các nguồn thu như bán vé, vật phẩm. BTC giải ngoại hạng Anh nắm trong tay bản quyền truyền hình, họ dư tiền để vận hành bộ máy và chi trả doanh thu cho các CLB dựa trên tỷ lệ trận đấu được mua bản quyền. Vì thế, chẳng có lý do gì để các nhà tổ chức phải kiếm thêm tiền từ nhà tài trợ chính của giải đấu bằng việc “độc quyền ngành hàng” cả.

Bóng đá Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. BTC của V-League gần như chỉ có doanh thu duy nhất là tiền tài trợ và hàng năm, công ty VPF phải chi ra gần như 100% những gì mà họ thu. Nói cách khác, nếu VPF có doanh thu cao từ NTT chính thì hưởng lợi vẫn là V-League, chưa kể còn tiền đóng góp hàng năm về cho VFF phát triển bóng đá trẻ. Đây là lý do mà Qui chế chuyên nghiệp ưu tiên việc đàm phán tài trợ cho đơn vị tổ chức giải, sau đó mới đến các CLB.

Đó chính là lý do xuất hiện điều khoản “độc quyền ngành hàng”. Trước năm 2012, V-League chỉ nhận tài trợ mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng, đã bao gồm tiền hoa hồng cho đối tác môi giới. Khi công ty VPF ra đời, mức tài trợ được đẩy lên 30 tỷ đồng/năm sau khi Eximbank của cố chủ tịch VFF tài trợ độc quyền 3 năm. Điều khoản “độc quyền ngành hàng” được linh hoạt, có những mùa không tồn tại. Điều này tùy vào chiến lược của NTT chính và khả năng đàm phán của VPF. Như 3 năm (2015-2017), hãng Toyota không cần độc quyền vì thương hiệu này tài trợ V-League trên tinh thần “chung tay”, không đòi hỏi nhiều quyền lợi, nằm trong một kế hoạch lớn hơn của Toyota toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục