* Sự chuẩn bị của tổ cự ly trung bình và dài cho SEA Games 31 hiện tại thế nào?
- HLV Trần Văn Sỹ: Chỉ còn hơn 5 tuần nữa đến SEA Games 31. Với các VĐV chạy dài và vượt chướng ngại vật (VCNV), tổ có kế hoạch đi tập huấn. Vì dịch Covid-19 không thể đi nước ngoài nên chúng tôi chọn Huế làm địa điểm tập huấn trong nước. Ở đây có thời tiết, điều kiện sân bãi phù hợp và đầy đủ trang thiết bị dành cho các VĐV chạy VCNV như Nguyễn Thị Oanh, Đỗ Quốc Luật, Nguyễn Tiến Long... tập luyện.
Ngoài ra, chúng tôi đi Huế để thay đổi không khí. Vì mọi người đã ở trong Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cả năm trời. Đến ngày 21-4, toàn đội di chuyển về Hà Nội và ra SVĐ quốc gia Mỹ Đình tập luyện vào các buổi chiều để làm quen đường chạy lẫn thời tiết.
* Ông đánh giá thế nào về lực lượng hướng đến SEA Games 31?
- Có 2 sự thay đổi so với SEA Games 30, đầu tiên đến từ Lê Tiến Long. Ở hai giải VĐQG và tuyển chọn nội bộ, cậu ấy vượt qua Nguyễn Trung Cường (Đà Nẵng) ở nội dung 3.000m VCNV nên được chọn dự SEA Games 31. Thứ 2 là Phạm Thị Huệ trước đây thi đấu nội dung 10.000m. Nhưng sau khi lấy chồng, sinh con và quay trở lại thì không đạt chuẩn 10.000m lẫn 5.000m. Hai nội dung này sẽ dành cho Phạm Thị Hồng Lệ chuyển từ Marathon sang. Hồng Lệ cũng đang giữ kỷ lục quốc gia.
Còn thành phần lực lượng không có gì thay đổi. Tôi kỳ vọng vào Nguyễn Thị Oanh thi 3 nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m VCNV, Đỗ Quốc Luật thi 3.000m VCNV hay Nguyễn Văn Lai thi 5.000m và 10.000m.
- Hai cự ly nam 5.000m và 10.000m của Nguyễn Văn Lai bị các VĐV Thái Lan cạnh tranh gắt gao từ năm 2018. Thậm chí ở SEA Games 2019, VĐV nhập tịch gốc Mỹ của Thái Lan (Kieran Tuntivate - PV) giành cả 2 HC vàng ở nội dung này, và đẩy Văn Lai lần lượt giành HC bạc và HC đồng.
Bên cạnh Thái Lan còn có các VĐV Indonesia. Họ mạnh về nội dung 5.000m, 10.000m và marathon nam/nữ. Đây là 2 quốc gia sẽ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi còn thận trọng với các VĐV ẩn số đến từ Philippines. Điền kinh Thái Lan, Indonesia và Philippines đã thua Việt Nam ở 2 kỳ SEA Games gần nhất nên họ sẽ rình rập, hầm hè và sẽ làm cách gì đấy để giành ngôi nhất toàn đoàn.
Chúng tôi khó tránh khỏi áp lực. Bởi điền kinh Việt Nam đã đứng nhất toàn đoàn trong 2 kỳ SEA Games gần nhất và mục tiêu đề ra phải bảo vệ được thứ hạng. Bên cạnh những VĐV đang giữ tấm HC vàng ít nhiều cũng chịu sức ép. Ngoài ra trong khâu chuẩn bị, toàn đội không thể tập luyện ở những địa điểm theo nhu cầu, ví dụ như tập huấn ở Trung Quốc. Đây cũng là khó khăn khác.
* Vậy làm sao để cởi bỏ sự áp lực cho các VĐV ở giải đấu trên sân nhà sắp tới?
- Tôi hay nói: “Có sao thì dùng vậy!”. Chúng ta phải tập luyện và chuẩn bị cho tốt về chuyên môn lẫn tinh thần. Thậm chí những phụ kiện kèm theo như thuốc men, thực phẩm, chức năng hỗ trợ, giầy tất... thì cũng phải quan tâm. Tôi lấy ví dụ VĐV muốn mặc cái áo tốt hoặc màu mè để có thể hơn gây hưng phấn hơn...
Tâm lý thi đấu trên sân nhà là điều đáng lưu ý. Thi đấu trên sân nhà thì sẽ có sự theo dõi của khán giả, và đặc biệt người thân. Nhưng tôi nói với VĐV nếu người nhà, người thân đến mà tạo thêm sự áp lực thì hãy khuyên họ ở nhà xem qua vô tuyến. Còn nếu bạn nào cần sự động viên thì có thể mời họ đến ủng hộ trên khán đài. Tâm lý của từng khác nhau nên chúng ta phải giải quyết khác như vậy.
Nhưng tôi cho rằng, cái khác của điền kinh Việt Nam là khác về mặt tích cực, tốt lên về mặt chuyên môn. Các bạn ấy là những VĐV cực kỳ chuyên nghiệp, và đang thực hiện đúng kế hoạch soạn sẵn. Tôi cũng hy vọng điền kinh Việt Nam sẽ có kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà thành công, hoàn thành mục tiêu đặt ra.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!