Điền kinh Việt Nam từng có 2 VĐV giành vé dự Olympic là Nguyễn Thị Huyền (400m và 400m rào nữ) và Nguyễn Thành Ngưng (20km đi bộ nam) vào năm ngoái. Dù không gây được dấu ấn đáng kể ở đấu trường khắc nghiệt này, nhưng điều đó được xem như cú hích đối với điền kinh Việt Nam trong tham vọng vươn lên tầm cao mới.
Ở đấu trường Asiad, hồi năm 2010, ba cái tên Vũ Thị Hương (100m và 200m), Trương Thanh Hằng (800m và 1.500m), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp) từng gây sốc bạn bè châu Á bằng những tấm HCB và HCĐ đầu tiên. Thế hệ kế cận của họ, những Quách Thị Lan (400m nữ) và Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) cũng đã mang về thêm 2 tấm HCB tại Incheon 2014.
Giờ đây, ngay lập tức sau màn trình diễn ấn tượng của điền kinh Việt Nam ở SEA Games 29 với 17 tấm HCV (lần đầu tiên vượt qua Thái Lan để chiếm ngôi đầu khu vực Đông Nam Á), giới chuyên môn càng tự tin hơn khi nhìn về tương lai.
Điền kinh Việt Nam đang sở hữu những tài năng thật sự, đủ sức tranh chấp thành tích ở sân chơi châu lục, chẳng hạn là Nguyễn Thị Huyền, Lê Tú Chinh, Bùi Văn Đông, Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thị Mến… Chính những nhà chuyên môn trong nước cũng thừa nhận rằng nếu họ được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt thường xuyên, không đợi đến trước thềm những sân chơi lớn mới có, thì sự tiến bộ về về trình độ và khả năng tranh chấp huy chương ở các sân chơi quốc tế là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ phó Vụ thể thao thành tích cao 2 - thành quả đạt được tại SEA Games 29 chính là bàn đạp và chỗ dựa cho kế hoạch “tấn công” những sân chơi lớn nhưng rất danh tiếng như Asiad và Olympic của điền kinh Việt Nam. Chắc chắn, ngành TDTT nói chung và bộ môn điền kinh nói riêng sẽ chuẩn bị nguồn lực, cả về tài chính lẫn con người cho giai đoạn phát triển mới, chất chứa đầy hy vọng.
Ngay sau SEA Games 29, Tổng cục TDTT sẽ bắt tay ngay vào giai đoạn chuẩn bị lực lượng VĐV cho Asiad 2018, trong đó điền kinh được xác định là 1 trong những môn mũi nhọn, đương nhiên sẽ nhận được sự đầu tư đặc biệt.