Đây mới chỉ là trận thượng đài thứ 2 của “Oanh tạc cơ bằng đồng”, sau khi anh để thua “combo 2 trận đấu” trước Tyson Fury “giận dữ”, và đã có thời điểm lâm vào khủng hoảng, cảm giác vô vọng, biệt khuất.
Dù vậy, trận thắng trước “Cơn ác mộng Bắc Âu” Robert Helenius bằng KO ngay tại hiệp đấu đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái mở toang cánh cửa thoát khỏi sự tuyệt vọng, giúp cho Wilder “áo giáp” dần tìm lại sự tự tin của mình.
Xét cho cùng, từng có thời anh được gọi là Wilder “cuồng nộ” với lối đánh quyền tàn khốc, thích “săn đuổi” đối thủ để thắng bằng KO và sẵn sàng “giết người hợp pháp” trên sàn đài với “trò chơi sát thủ”.
Sức mạnh tự nhiên - sức mạnh bẩm sinh
Wilder bắt đầu đánh quyền ở tuổi 20 và chưa đầy 3 năm sau, anh giành tấm HCĐ quyền Anh nghiệp dư trân quý ở Olympic Beijing 2008.
Sự nghiệp thi đấu nghiệp dư của Wilder rất ngắn ngủi: Thắng 24 (với chỉ 4 chiến thắng KO) - và 6 trận thua. Điều đó không hề báo trước sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp ấn tượng sau đó...
Đến thời điểm này, Wilder đã có 46 trận thượng đài, với 43 chiến thắng; trong đó có đến 42 trận thắng bằng KO. Anh chặn đứng hầu như phân nửa đối thủ (21 người) bằng chiến thắng KO ngay từ hiệp đấu đầu tiên.
Với cân nặng trung bình chỉ khoảng 97 kg (và cao 2 mét 01), đa phần anh nhẹ hơn các đối thủ ở hạng cân nặng chừng 20 kg.
Sự thua thiệt về trọng lượng kiểu này, nhất là ở hạng cân nặng của quyền Anh chuyên nghiệp, càng tôn giá trị chiến thắng của Wilder.
Wilder tất nhiên không phải mẫu quyền thủ cừ khôi như là những huyền thoại vĩ đại George Foreman hay là Mike “thép” Tyson, những người có thể hạ gục đối thủ của mình bằng bất kỳ đầu quyền nào, dù trái hay phải.
Nhưng Wilder “áo giáp” lại sở hữu những cú đấm thẳng tay phải cực mạnh, cực kỳ chết chóc! Phong cách thi đấu của Wilder cũng được điều chỉnh để tung ra tuyệt chiêu này hiệu quả nhất có thể.
“Hãy hiểu là, cậu ấy có cấu trúc thể chất hoàn toàn khác. Không thể so sánh cậu ấy với Mike Tyson. Hãy xem lại cách Tyson phối hợp các cú móc trái-phải đỉnh cao", HLV Malik Scott, cũng từng là bại tướng của Wilder hồi năm 2014, đã có chia sẻ.
"Hãy tưởng tượng Wilder ở vị thế của ông ấy. Mường tượng rằng, anh ấy sẽ thực hiện chiêu thức này trên đôi chân gầy gò và dài ngoẵng của mình. Buồn cười, có đúng không?”.
Nguyên bản sức mạnh của Wilder vẫn là câu hỏi cho các chuyên gia phân tích. Nhưng từ các quan sát cơ bản bên ngoài, có vẻ như anh ta được sự trợ giúp bởi cơ vai phát triển tự nhiên và chiều dài của sải tay (lên đến 211 centimet).
Wilder thừa nhận, anh hầu như chưa bao giờ tập luyện với các loại dụng cụ nâng cao sức mạnh của cơ bắp: “Sức mạnh của tôi là tự nhiên. Tôi không cần phải nâng tạ, tôi không chạy, không tập luyện thể lực”.
“Tôi cũng không tập luyện với bao cát hay là nhảy dây. Tôi chỉ đến với phòng tập, xỏ găng vào 2 tay, đấu tập một mình hoặc đánh quyền với một đối thủ đấu tập. Tất cả chỉ có vậy”, võ sĩ người Mỹ tiết lộ bí mật đáng ngạc nhiên.
HLV Jay Dees (ông thầy đời đầu tập với Wilder khi anh còn đấu quyền nghiệp dư, rồi sau đó đã giúp anh thắng HCĐ Olympic và đai WBC) nói, phải có đến 3 người cùng “cố giữ lại” Wilder ở trong một buổi tập mới được, điều này sẽ quá tải với một võ sĩ bất kỳ.
“Khi mà bạn được sinh ra với sức mạnh bẩm sinh, bạn chỉ có thể tăng nó lên khoảng 10% thông qua các bài tập thể chất và kỹ thuật".
"Rồi thì bạn có thể hạ gục đối thủ mà không cần tung ra một cú đấm quá mạnh, một đòn quyền vừa phải thôi. Bạn có thể chọn một tay đấm giỏi, tăng thêm cho anh ta 10% sức mạnh. Nhưng chỉ thế thôi”, HLV Dees nói.
Trên võ đài, Wilder bỏ qua những yếu tố cơ bản của quyền Anh để phát huy tối đa sức mạnh của mình: Vung rộng tay, nhảy về phía đối thủ, lao bản thân mình về hướng đầu quyền của đối phương.
Nếu Wilder bỏ lỡ cú ra đòn, anh ta sẽ đánh mất sự thăng bằng và nhận thấy rằng mình đang “chường mặt” ra trước đòn đánh của đối thủ. Nhưng đối thủ của anh hiếm khi tận dụng các lợi thế này, họ cũng sợ đấm hụt.
Chỉ cần khoảng 2 giây huy hoàng
Việc người khác chỉ trích kỹ thuật của Wilder là điều bình thường, nói chung thì, như vậy rất công bằng. Tuy nhiên, với Wilder, chỉ cần nó hiệu quả và lợi hại, như vậy là quá đủ với sự nghiệp “thích thắng KO” của anh.
Wilder sử dụng tốt quyền trước, anh luôn kiểm soát khoảng không với đầu quyền này. Nó giúp anh che khuất tầm nhìn của đối thủ, cản cú ra đòn của đối phương và sau đó, thực hiện một cú đấm thọc tuyệt chiêu.
Trong trận đấu với “A-Force” Audley Harrison (Wilder thắng TKO ngay ở hiệp 1, từ hồi năm 2013), võ sĩ người Mỹ đã chặn đối thủ bằng quyền trước rồi tung quyền sau thấm thía. Sau ngón đòn đó, Harrison buộc phải tựa vào dây đài...
Còn trận thắng KO “Szpila” Artur Szpilka (Wilder thắng bằng KO ở hiệp 9 hồi năm 2016, qua đó bảo vệ thành công đai hạng nặng WBC lần thứ 3), Wilder đã dùng quyền trái giữ đầu đối thủ vốn đang cố “ngụp lặn” né đòn, khi Szpilka chậm lại, anh tung cú đấm thọc tay phải.
Một ví dụ nổi bật khác, là chiến thắng KO ở cuộc đối đầu lần thứ 2 chống lại “King Kong” Luis Ortiz. Wilder tung cú quyền đầu khá nhẹ nhứ đòn rồi giáng quyền thứ 2. Ortiz khi đó dễ dàng hóa giải cú ra quyền đầu tiên nhưng lại dính đòn thứ 2 nặng nề...
Người ta thường chỉ trích cách ra đòn mạo hiểm của Wilder, nhưng anh quyết tâm bảo vệ phong cách thi đấu của mình: “Những gã trai này cần phải hoàn hảo trong cả 12 hiệp đấu, nhưng tôi thì, chỉ cần hoàn hảo trong khoảng 2 giây”.
"Kẻ thích giết người hợp pháp" trên võ đài
Wilder gọi trận thắng trước Helenius là “chiến thắng KO ưa thích nhất”: “Đây là kết quả KO tồi tệ nhất mà tôi gửi đến một đối thủ trên sàn đài. Tôi thật sự nghĩ mình đã giết anh ấy. Sau chiến thắng KO, bản thân tôi đã rất lo sợ”.
Dù vậy, Wilder vẫn nổi tiếng là kẻ “thích giết người miễn phí trên sàn đài”. Anh đã từng răn đe... Wladimir Klitschko khi nghe tin huyền thoại người Ukraine định tái xuất vài năm trước, anh không ngại “giết” đối thủ.
Anh cũng thường nói: “Tôi muốn có một người chết trong thành tích chiến thắng của mình. Tôi thật sự muốn như vậy".
"Oanh tạc cơ bằng đồng muốn có điều đó. Nếu cái chết đó vẫn ám ảnh trong tôi, tôi cũng không quan tâm. Tôi có thể cảm thấy tồi tệ, nhưng chẳng phải chúng ta đều ký giấy tham gia trò chơi này hay sao?