Cựu HLV thể lực của Novak Djokovic: Pepe đã giúp ích rất nhiều

Tính cho đến thời điểm này, Djokovic vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm HLV mới cho riêng mình (anh chỉ làm việc vỏn vẹn 1 tuần lễ cùng với Andre Agassi tại Roland Garros...
Quyết định sa thải toàn bộ đội ngũ HLV, bao gồm HLV chính đã gắn bó lâu năm là Marian Vajda, HLV thể lực Gebhard Gritsch cùng với bác sĩ vật lý trị liệu Miljan Amanovic, của Novak Djokovic trước khi mùa giải sân đất nện năm nay khởi tranh hiện vẫn được xem là một quyết định “gây tranh cãi” của tay vợt cựu số 1 thế giới người Serbia.
Tính cho đến thời điểm này, Djokovic vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm HLV mới cho riêng mình (anh chỉ làm việc vỏn vẹn 1 tuần lễ cùng với Andre Agassi tại Roland Garros và hiện vẫn chưa rõ 2 người này có tiếp tục cộng tác cùng nhau hay là không) và vẫn đang vật lộn với một phong độ sa sút không phanh. 
Trong tất cả “đầu dây mối nhợ” này, người ta hiếm khi nhắc đến Pepe Imaz, một “chuyên gia tâm linh” từng hỗ trợ Djokovic trong giai đoạn nửa cuối mùa giải năm ngoái với những biện pháp tâm lý huyền hoặc gây khó hiểu cho những chuyên gia quần vợt kỳ cựu nhất.
Rất nhiều người tin rằng, việc Boris Becker chấm dứt cộng tác cùng với Djokovic bắt nguồn từ việc anh này quá sa đà vào những biện pháp tập luyện kỳ quái của Pepe.
Dù vậy, theo cựu HLV thể lực Gritsch, người ta đã có cái nhìn quá khắt khe dành cho Pepe, rằng anh này đã giúp ích rất nhiều trong việc khiến Djokovic trở nên cân bằng hơn, kiên nhẫn hơn và hạnh phúc hơn…
Cựu HLV thể lực của Novak Djokovic: Pepe đã giúp ích rất nhiều ảnh 1 Pepe Imaz (trái) và Novak Djokovic trong một buổi nói chuyện mang tính tâm linh và huyền bí.
Kể từ khi Pepe gia nhập đội HLV hỗ trợ cho Djokovic, dư luận liên tục đào bới thông tin cho rằng Djokovic đã “cùng đường” và muốn tìm đến một bậc thầy về tâm linh để khai phá những dồn nén, uẩn ức về mặt tâm lý.
Quan điểm này khiến Djokovic nổi xung và không dưới 2 lần, anh khẳng định trước báo giới rằng Pepe là một HLV chuyên nghiệp chứ chẳng phải là một chuyên gia tâm linh gì cả.
Thực chất, Pepe từng huấn luyện cho một số tay vợt (tất cả đều… không có tên tuổi) và sở hữu một trường dạy học quần vợt tại Khu nghỉ dưỡng Puente Romano (thuộc Marvella, Tây Ban Nha).
Phương châm đào tạo của trường học này cũng khá kỳ quái, là “Amor Y Paz” (nghĩa tiếng Việt là “Tình yêu và Hòa bình”) với khuyến khích: “Những cái ôm giữa người với người sẽ giúp làm giảm trầm cảm và truyền năng lượng cho người khác”.
Em trai của Nole, Marko Djokovic từng sử dụng phương pháp của Pepe để chữa chứng trầm cảm của mình, và điều này đã kéo Pepe cùng Djokovic lại gần với nhau.
Nhưng theo Becker, cho dù đó có là phương pháp gì, việc Djokovic ít tập luyện trên sân đấu và có nhiều buổi nói chuyện mang tính tâm linh trong phòng kín cùng nhiều người khác là điều không thể chấp nhận được.
Sau khi Djokovic sa thải đội HLV của mình và bắt đầu làm việc với Agassi, có nhiều nguồn tin cho rằng anh cũng đã chia tay với Pepe và Pepe đã tham gia một số giải đấu với một tay vợt khác.
Tuy vậy, khi Djokovic thi đấu ở vòng đấu tứ kết của Roland Garros, người ta nhìn thấy Pepe hiện diện trên góc khán đài dành cho đội hỗ trợ của Nole. Djokovic từng nói, giờ đây anh đã không còn xem quần vợt là mối quan tâm hàng đầul, rằng việc làm cha đã chi phối nhiều thời gian và khát khao của anh ở trên sân đấu.
Theo cựu HLV thể lực Gritsch, chính sự hiện diện của Pepe đã giúp Nole có sự cân bằng giữa việc làm một tay vợt chuyên nghiệp và làm cha, làm chồng.
“Tôi không đưa ra đánh giá về việc anh ấy làm một HLV như thế nào. Không phải là vấn đề này. Tôi nghĩ anh ấy đã giúp đỡ cho tất cả mọi người, và anh ấy vẫn đang tiếp tục sự giúp đỡ này. Anh ấy là một con người tốt , tự bản thân anh ấy cũng vậy. Djokovic đã trở nên cân bằng hơn, kiên nhẫn hơn. Cậu ấy đã có nhiều thay đổi, hướng về phía lạc quan, khẳng định cuộc sống thời kỳ mới. Novak đang là một con người rất hạnh phúc. Một VĐV hàng đầu, người gặt hái được rất nhiều thành công, cần có sự ích kỷ và không thể dành nhiều thời gian vào những thứ không có tác động đến màn trình diễn của mình. Đó  là lý do hợp lý lý giải tại sao một tay vợt nổi tiếng lại không phải là một con người lý tưởng cho gia đình, cho xã hội. Vì thế, Djokovic đã đạt được đến tầm có thể tự nói rằng: “Này, tôi cần định hướng lại bản thân, tôi muốn cả 2 điều, vừa là một tay vợt giỏi nhưng cũng đang hưởng thụ một cuộc đời đáng hài lòng. Anh ấy cũng muốn cải thiện bản thân như là một con người bình thường”, cựu HLV thể lực Gritsch cho biết.
Hãy chờ xem, Pepe còn giúp ích như thế nào cho Djokovic. Chỉ biết rằng, nếu không sớm cải thiện bản thân, Djokovic hoàn toàn vẫn có thể là một con người cân bằng, giữa việc làm một tay vợt và việc làm người đàn ông của gia đình. Tay vợt người Serbia dự kiến sẽ quay lại sân đấu ở Aegon International tại Eastbourne vào ngày 23-6 tới đây, để chuẩn bị cho Wimbledon.
“Novak vẫn chưa đưa ra quyết định. Nhưng sự thật là, anh ấy đang cân nhắc chuyện tham dự giải đấu này. Anh ấy sẽ đưa ra quyết định trong 48 giờ sắp tới”, phát ngôn viên của Djokovic cho biết trên The Times vào hôm thứ năm 15-6.

Tin cùng chuyên mục