Ngoài các kế hoạch huấn luyện, chế độ lương thưởng, dinh dưỡng đặc thù thì việc học văn hóa cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm trước khi cho con em mình theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.
Đào tạo văn hóa cho VĐV là yêu cầu cần thiết, đáp ứng mục tiêu đào tạo toàn diện và đảm bảo tương lai phát triển lâu dài của tuyển thủ. Tuy nhiên, chuyện học văn hóa của VĐV lại là bài toán khó ở một số bộ môn thể thao tại TPHCM. Vì sao lại nói như vậy? Vì đây là một trong những lý do khiến nhiều VĐV chia tay sự nghiệp thể thao của mình, có thể do không thể cân bằng được việc học và tập luyện, cũng có thể do gia đình muốn họ tập trung vào học tập.
Theo chia sẻ của chị Phùng Lê Thy – Phụ trách môn Thể dục nghệ thuật TPHCM, nếu như ở Hà Nội có trường Phổ thông năng khiếu TDTT dành cho VĐV, đào tạo cả 3 cấp: tiểu học, THCS, THPT. Tại đây, các học sinh sẽ được tạo điều kiện tối đa cho việc huấn luyện về năng khiếu để nâng cao thành tích thể thao, song song đó là được học tập văn hóa bổ sung kiến thức. Nhưng ở TPHCM, chỉ mới có trường năng khiếu TDTT ở cấp THPT, còn các VĐV thuộc cấp tiểu học và THCS vẫn có chương trình học tương tự những học sinh khác và rất ít sự hỗ trợ nếu phải đi tập huấn, thi đấu dài ngày.
VĐV tập trung nhiều hơn vào việc tập luyện và thi đấu
“Chương trình học ở trường hiện nay của các em thường có 2 buổi/ngày. Do đó, HLV chỉ xếp được lịch tập vào chiều tối, cả ngày hoạt động liên tục như thế đôi khi làm VĐV mệt mỏi khó chuyên tâm trong việc tập luyện. Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em của mình chuyên tâm cho việc học văn hóa nên không khuyến khích theo con đường thể thao chuyên nghiệp”, chị Lê Thy tâm sự.
Đối với mỗi VĐV, học văn hóa không quá vất vả so với khi tập luyện, mà cái khó cho họ là không có đủ thời gian để học. So với các học sinh khác, VĐV phải dành nhiều thời gian cho việc tập luyện và thi đấu, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập của họ. Bởi thế, để có thể vừa giỏi trong thi đấu vừa có thành tích tốt trong học tập không phải là điều dễ dàng đối với bất cứ VĐV nào.
Để có cả thành tích trong thi đấu và học văn hóa tốt đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi VĐV
Trưởng bộ môn cầu lông TPHCM Đặng Anh Đăng cũng thừa nhận, việc học văn hóa của VĐV là khó khăn không chỉ riêng cầu lông TPHCM mà các môn thể thao khác cũng gặp phải. “Việc học văn hóa là quan trọng, VĐV phải học để có tư duy, kiến thức mà áp dụng chiến thuật tốt hơn. Nhất là việc học ngoại ngữ là điều cần thiết khi các em phải thường xuyên thi đấu quốc tế như hiện nay. Tuy vậy, với VĐV chuyên nghiệp theo chế độ đội tuyển, nên có chính sách giảm tải việc học để bớt áp lực trong học tập hơn, từ đó VĐV sẽ tập trung chuyên môn phát triển tới đỉnh cao. Khó khăn này có lẽ cần có sự chung tay giữa ngành thể thao và ngành giáo dục”, anh Đặng Anh Đăng chia sẻ.