Khổ luyện để bứt phá

Nỗ lực, ý chí, đam mê... là những điều kiện không thể thiếu trên con đường đi đến thành công của các vận động viên (VĐV) cầu lông chuyên nghiệp. Ngoài sự khổ luyện, công tác đầu tư và đào tạo cần được ưu tiên để các tay vợt phát triển bền vững cũng như chinh phục được những mục tiêu lớn.
Đội tuyển cầu lông TPHCM luyện tập tại Nhà tập luyện Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN ANH
Đội tuyển cầu lông TPHCM luyện tập tại Nhà tập luyện Phú Thọ. Ảnh: NGUYỄN ANH

Lực lượng cầu lông TPHCM thuộc các tuyến năng khiếu, trẻ, đội tuyển có khoảng 10 HLV và 35 VĐV. Sắp tới, bộ môn sẽ tiến hành quá trình bổ sung lực lượng, tuyển sinh thêm VĐV nhóm tuổi vào đội năng khiếu, chọn VĐV từ đội năng khiếu lên đội trẻ, từ đội trẻ lên tuyến đội tuyển. Theo chia sẻ của ông Đặng Anh Đăng – Trưởng bộ môn cầu lông TPHCM, sau quá trình đào tạo thì lực lượng của bộ môn đã tinh gọn lại để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, sự hao hụt về mặt lực lượng theo thời gian là điều khó tránh khỏi, sẽ có VĐV tiếp tục theo đuổi đam mê nhưng cũng có người bỏ dở con đường thể thao chuyên nghiệp. Do đó, bộ môn muốn phát triển thì công tác tuyển chọn phải được đẩy mạnh nhiều hơn để việc đào tạo lớp kế thừa luôn được diễn ra liên tục.

Dĩ nhiên, hành trình trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp chẳng bao giờ là dễ dàng. Ở đội tuyển cầu lông TPHCM, các VĐV sẽ có 10 buổi/tuần luyện tập tại “đại bản doanh” Nhà tập luyện Phú Thọ. Trong đó còn có 2 buổi luyện tập thể lực chuyên sâu tại sân vận động Thống Nhất với những bài chạy bền, chạy 400m… Bắt đầu từ 8 giờ sáng, không khí tại sân cầu lông lại nhộn nhịp hẳn lên bởi những tiếng hô nhịp cho bài tập khởi động của các thành viên đội tuyển. Sau khi làm nóng cơ thể, các tuyển thủ tiếp tục với những bài tập kỹ thuật: tấn công, phòng thủ, chặt cầu, lớp cầu… cường độ cao ở các nội dung đơn, đôi.

Khổ luyện để bứt phá ảnh 1 Nguyễn Tiến Minh ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ bởi sự bền bĩ, kiên trì và hết mình vì đam mê
Mỗi VĐV sẽ có sức chịu đựng cũng như khả năng tiếp thu khác nhau, nên ngoài việc tập luyện theo giáo án của HLV, tự bản thân họ phải cố gắng khổ luyện bằng nhiều cách nếu muốn đạt trình độ đỉnh cao. HLV Văn Tuấn Kiệt (đội tuyển cầu lông TPHCM) chia sẻ: “Một VĐV cần có những yếu tố như nhanh, khéo, mạnh, bền, tư duy…nếu muốn trở thành tay vợt chuyên nghiệp. Nhưng công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV chuyên nghiệp không thể ngày một ngày hai mà thành, có khi phải mất khoảng 8 đến 10 năm mới có được một lứa VĐV tốt.”

Đơn cử cho sự khổ luyện bền bỉ để đạt được những “trái ngọt” thành tích trong làng cầu lông Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng thì Nguyễn Tiến Minh chính là cái tên được mọi người hay nhắc đến. Từ một tay vợt thiếu hụt bài bản, thể hình thể lực hạn chế ban đầu, nhưng với niềm đam mê, bền bĩ, kiên trì và tinh thần vượt khó phi thường, anh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm tay vợt hàng đầu thế giới. Sau khi hoàn thành giáo án của HLV ở mỗi buổi tập, Tiến Minh luôn tập riêng, tập thêm, để rồi qua từng ngày kỹ năng và sức bền của anh được nâng lên rõ rệt.

Khổ luyện để bứt phá ảnh 2 Tay vợt trẻ Lê Ngọc Vân đang được bộ môn cầu lông TPHCM đầu tư phát triển. Ảnh: NGUYỄN ANH

Hay đó là gương mặt trẻ Lê Ngọc Vân (sinh năm 2005) đã bắt đầu nghiêm túc với con đường chuyên nghiệp khi mới…lên lớp 5. Vân kể: “Hồi đó ba cho em tập cầu lông để khỏe người, nhưng vẫn chưa mê lắm. Sau khoảng thời gian dài gắn bó, thi đấu đạt một số thành tích cũng như xem nhiều giải thế giới trên truyền hình mà em đam mê bộ môn lúc nào không hay. Để trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp, ngoài sự cố gắng trong tập luyện, em nghĩ cần phải có sự khắt khe với bản thân, không ngại khó khăn và chấp nhận từ bỏ nhiều điều mới mong luyện tập thành tài”.

Nhờ sự quyết tâm như thế mà Ngọc Vân đã đạt được HCV đôi nữ giải toàn quốc ngay lần đầu ra sân thi đấu khi mới lớp 6. Những năm sau đó, Vân đều tiếp tục giành Vàng cá nhân, đôi ở các giải thiếu niên toàn quốc, trẻ toàn quốc. Mong muốn ở cô bé 17 tuổi này là có thể được dự nhiều giải quốc tế, nâng cao kỹ năng, tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng thế giới.

Tin cùng chuyên mục