Chiến lược căn cơ tạo “Cú nhảy” về đẳng cấp

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vừa giành chức vô địch AVC Challenge Cup 2024 và là lần thứ 2 liên tiếp chiến thắng ở giải đấu này để trở thành đại diện châu Á dự FIVB Challenge Cup 2024, nơi đội vô địch có suất dự Nation League - giải đấu tương tự World Cup bóng chuyền nữ thế giới.

Chiến lược căn cơ tạo “Cú nhảy” về đẳng cấp

Việc bảo vệ thành công danh hiệu AVC Challenge Cup cho thấy sự ổn định về đẳng cấp của bóng chuyền nữ Việt Nam, qua đó cũng lần đầu tiên lọt vào tốp 40 thế giới (hạng 36). Tuy nhiên, nếu xem AVC Challenge là một cột mốc của quá trình phát triển, việc đạt đến cột mốc kế tiếp lại không đơn giản. Đó không phải là một phép cộng, kiểu như vượt qua cái này, sẽ đạt đến cái kia. Ngược lại, nếu chúng ta không có chiến lược rõ ràng, thời gian chuẩn bị dài hơi, có khi việc ham muốn vươn đến cột mốc kế tiếp dễ tạo ra bước lùi tai hại.

Đó chính là “cái giá” để có một nền thể thao chuyên nghiệp. Câu chuyện ở môn bóng đá là một ví dụ. Chúng ta từng vào đến vòng loại thứ 3 World Cup, ở rất gần một vị trí trong tốp 10 châu Á, nhưng chỉ cần nôn nóng đi nhanh một chút, thất bại liên tục đến và kéo lùi bóng đá Việt Nam về vị trí cũ. Thế mới thấy, để vào nhóm 20 đội hàng đầu, chỉ cần khoảng 10 năm phát triển liên tục, nhưng muốn vào tốp 10 có khi mất hàng nhiều thập niên, thậm chí có khi không thể đạt được. Với bóng chuyền cũng thế.

Không phải tự nhiên mà Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB) tạo ra nhóm 11 đội bóng “cốt lõi” để tạo ra Nations League, để trống ra 5 suất cho các đội thuộc nhóm “Challeng - Thách thức”. Nghĩa là có 2 tầng đẳng cấp khác nhau và khoảng cách giữa chúng là vô cùng lớn. Ví dụ như đội nữ Thái Lan dù cùng khu vực Đông Nam Á nhưng lại là đội “cốt lõi” của thế giới, vì thế dù các cô gái Việt Nam tiến bộ rất nhiều, cứ gặp họ là thua. Thậm chí thắng được họ 1 set cũng rất gian nan.

Những môn thể thao ở đẳng cấp Olympic cũng đều có các giới hạn và thách thức tương tự. Như môn điền kinh, chúng ta có thể thắng các giải đấu tại châu Á hoặc số 1 Đông Nam Á nhưng xét về thành tích, còn khoảng cách xa diệu vợi với thế giới. Nhưng, nói như vậy không phải để bi quan hay an phận. Câu hỏi đặt ra là làm sao để có những “cú nhảy” về đẳng cấp?

Rất đơn giản, chỉ có một giải pháp: Kiên trì đầu tư. Chúng ta không thể chơi bóng đá, bóng chuyền hay chạy nhanh, nhảy xa… ở trình độ cao nhất nếu chỉ với lực lượng vận động viên có thể hình thấp bé, nhẹ cân hay các thế hệ bị đứt gãy, thiếu nguồn bổ sung. Mà muốn có được nguồn lực con người dồi dào, chất lượng cao, hệ thống thi đấu phải đạt được mức độ chuyên nghiệp từ cấp câu lạc bộ đến hoạt động phát hiện tài năng cùng những chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế cường độ cao.

Những công việc ấy không tính bằng năm, mà là thập niên, với mức độ đầu tư liên tục vào yếu tố con người. Khi đó, chúng ta mới mong xoay chuyển đẳng cấp từ tốt đến tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục