Bùng nổ hiệp 1, bất ổn hiệp 2
Có 1 kịch bản chung xung quanh lối chơi của đoàn quân của ông Sarri trong 3 trận giao hữu đầu mùa – thắng Perth Glory 1-0, hòa Inter Milan 1-1 (thắng 5-4 sau loạt sút luân lưu 11 mét) và hòa Arsenal 1-1 (thua 5-6 sau loạt sút luân lưu 11 mét). Đó là, họ toàn vượt lên dẫn trước, có bàn mở tỷ số ngay trong hiệp 1, trước khi để đối thủ vùng lên “bắt giò” trong hiệp đấu thứ 2. Có thể nói, dưới thời ông Sarri trong 3 trận đầu ra quân, Chelsea luôn thể hiện 2 gương mặt khác hẳn – bùng nổ trong 45 phút đầu tiên và… bất ổn trong 45 phút còn lại.
Pedro Rodriguez, Callum Hudson-Odoi, Cesc Fabregas, Ross Barkley và “đệ tử cưng” Jorginho là những gương mặt góp phần đáng kể vào sự bùng nổ trong lối chơi tấn công đa dạng của Sarri. Không ít thì nhiều, những cầu thủ này đã thấm nhuần triết lý Sarri-ball, tổ chức pressing, quây bóng, gây áp lực mạnh mẽ lên đối thủ trên phần sân đối phương hòng đoạt bóng, và khi có bóng thì phối hợp một chạm, thật nhanh để mở đường đến khung thành đội bạn. Khi Chelsea vẫn đang loay hoay với bài toán trung phong nan giải, 2 cánh của họ đã gánh vác trọng trách tấn công một cách rất hợp lý và đáng khen ngợi, dù ở vị trí đó, những cầu thủ số 1 như Eden Hazard hay Willian vẫn chưa xung trận (hay họ có xung trận trở lại trong màu áo Xanh Chelsea hay là không thì… có trời mới biết).
Nhưng Chelsea trong hiệp 2 lại mang một gương mặt khác – lúng túng, có phần thiếu tập trung và rối loạn nơi hàng phòng ngự, tấn công rườm ra và kém tính hiệu quả trên hàng tấn công. Dễ hiểu thôi, đó là lúc Sarri bắt đầu đưa những trụ cột mà ông có rời sân, để thử nghiệm các vị trí dự bị. Khoảng cách trình độ giữa những vị trí chính thức và dự bị khiến Chelsea hụt hơi và đánh rơi thế trận vào tay đối thủ trong 45 phút còn lại.
Dẫu biết, đây chỉ là những trận đấu giao hữu mà kết quả không hề quan trọng, cách thể hiện lối chơi, khả năng giữ vị trí… của các cầu thủ mới là quan trọng nhất. Nhưng sẽ là như thế nào, nếu đến khi mùa giải khởi tranh, Chelsea vẫn chưa thể tăng cường đội hình. Khi đó, ở các giải đấu chính thức, vẫn sẽ là “bùng nổ trong hiệp 1, bất ổn trong hiệp 2”. Và sẽ là như thế nào nếu Chelsea mất đi hàng loạt các trụ cột (những người vẫn chưa ra sân) như là Hazard, Willian… mà vẫn không thể tìm được người thay thế xứng đáng.
Sarri không hài lòng với “sự kỳ quặc” của Willian
Sự không hài lòng khi Chelsea không có được những cầu thủ tốt nhất cho loạt trận chuẩn bị đầu mùa giải, rồi sự không hài khi Chelsea, vì thế, không có sự cân bằng giữa đội hình chính thức và đội hình dự bị, đã khiến cho ông thầy người Ý bực bội về sự chậm trễ trong chuyến hành trình quay trở về thành London của Willian, bất chấp việc anh này vừa lên truyền hình Brazil để thao thao bất tuyệt về tình yêu với đội bóng, rằng anh sẽ quay trở về và “không đi đâu cả”.
Morata vẫn rất vô duyên
Một trong những thứ chắc chắn sẽ khiến ông Sarri rất không hài lòng, dù ông chủ động không nói ra, đó là sự vô duyên của tiền đạo Alvaro Morata trong trận đấu với Chelsea. Sau khi chơi khá hay và được Sarri ngợi khen rất nhiều với màn trình diễn trước Inter, Morata đã quay trở về với bản chấn đúng nghĩa của “một tiền đạo chân gỗ”, tranh chấp bóng kém, ngay cả cơ hội ghi bàn trên chấm 11 mét cũng bị bỏ lỡ.
Chelsea vẫn bất bại và việc họ chơi cực hay trong các hiệp 1 là rất đáng ghi nhận. Nhưng bóng đá đâu phải là cuộc chơi trong 45 phút, và chuỗi trận bất bại sẽ chẳng là ý nghĩa gì khi Chelsea chuẩn bị đối đầu với Manchester City hùng mạnh của Pep Guardiola vào Chủ nhật tuần này. Triết lý Sarri-ball đã được thấm nhần đến đâu, chúng ta sắp được biết!