Trong quá khứ, khi vừa ký hợp đồng nắm các cấp đội tuyển của Thái Lan, vị HLV người Nhật Bản từng ngạc nhiên khi nhìn thấy lịch đấu… SEA Games nằm trong kế hoạch phát triển của bóng đá Thái Lan. Ở thời điểm đó, ông Nishino từng đưa Nhật Bản lọt đến vòng 2 ở World Cup 2018 trên đất Nga với hàng loạt kỷ lục (là đội châu Á đầu tiên đánh bại 1 đại biểu của Nam Mỹ - thắng Colombia 2-1, là đội châu Á duy nhất lọt đến vòng đấu loại trực tiếp của World Cup 2018), vốn không hề biết SEA Games “là giải đấu gì”. Tất nhiên, giờ đây thì ông đã biết rồi.
Nhiều năm qua, những bất cập từ công tác tổ chức, tính cục bộ địa phương, máu ăn thua huy chương, nhiều quốc gia chủ nhà đã biến SEA Games thành giải đấu “hổ lốn”, nơi mà nhiều môn đấu bị cáo buộc không cạnh tranh công bằng, chỉ là những cuộc thương lượng hậu trường, hay những trò “cướp” huy chương trắng trợn, khiến dư luận ngao ngán.
Chuyện đó, đồng thời với việc các đội tuyển của Thái Lan sau một thời gian dài thống trị bóng đá Đông Nam Á nên đã “ngãng ra” và đặt mục tiêu vươn tầm ra châu lục, mơ dự World Cup, khiến nhiều người nhìn vào SEA Games với ánh mắt thiếu thiện cảm. Từ “ao làng” Đông Nam Á hay “vùng trũng” thế giới thường được dùng để miêu tả về SEA Games nói chung và các giải bóng đá khu vực nói riêng. Điều này đã làm hỏng mục tiêu ban đầu của tất cả các quốc gia Đông Nam Á, đấy là muốn xây dựng một nền thể thao đoàn kết và vững mạnh, thông qua SEA Games.
Nhưng, giải đấu nào cũng có “giá” của nó. Cho dù nhiều người nói, bóng đá Việt Nam với thế hệ “hoàng kim” ngày hôm nay, đã vươn tầm ra châu lục ra thế giới, thì đặt mục tiêu Vàng ở “ao làng” làm gì? Tuy vậy, sẽ ra sao nếu bạn chưa phải là học sinh giỏi trong lớp, nhưng lại được chọn đi thi học sinh giỏi thành phố, hay học sinh giỏi quốc gia? Dù ít hay nhiều, tấm HCV môn bóng đá nam ở SEA Games vẫn có một giá trị nhất định. Quan trọng hơn, đó là điều mà cả đất nước Việt Nam khao khát bấy lâu nay.
Đó là chuyện của Việt Nam, còn Thái Lan thì sao? Đây chính là giai đoạn mà họ đang hoang mang nhất, giữa con đường độc đạo nếu không tiến thì phải lùi, nhưng họ chưa biết sẽ đi tiếp ra sao. Bóng đá Thái Lan từng vượt qua ngã 3 đường, bỏ qua sự quẩn quanh ở khu vực Đông Nam Á, chọn hướng dũng cảm tiến lên, chấp nhận thách thức và thất bại, để phát triển mạnh mẽ. Để rồi, giờ đây họ nhận ra, World Cup vẫn còn quá xa, nhưng để quay lại ngã 3 SEA Games cũ, họ có vẻ lại chậm chân hơn những nền bóng đá khác.
Tại buổi họp báo sau trận U22 Thái Lan thua U22 Indonesia 0-2, ông Nishino liên tục “đổ thừa” thất bại do tình trạng thể lực của các cầu thủ, cả việc họ chưa thể thích nghi với những điều kiện thi đấu ở đây như mặt sân...
Vâng, SEA Games là như thế đó, có thể là “ao làng”, nhưng cũng không dễ thắng. Thái Lan đã làm điều này rất nhiều lần trong quá khứ, để giờ nhận ra rằng muốn đi lại con đường cũ, vốn không phải là chuyện giỡn chơi. Vậy thì, ông Nishino ơi, “Chào mừng ông đến với “ao làng” Đông Nam Á”. Ở đó, chắc chắn sẽ không có nước Nga, với mùa hè World Cup rực rỡ, mà là một Philippines với bầu trời ảm đạm, nhiều mưa, nhiều mây mù và đầy rẫy biến cố bất ngờ!