Ngày mai 23-5, kỳ SEA Games thứ 2 tại Việt Nam sẽ kết thúc với một lễ bế mạc được dự báo đặc biệt ấn tượng và đầy ý nghĩa. 17 ngày tranh tài hấp dẫn trôi nhanh như chớp mắt, vẫn kịp đọng lại trong lòng giới mộ điệu thể thao và các đoàn vận động viên (VĐV) khối ASEAN một hình ảnh thân thiện và hiếu khách của người dân Việt Nam.
Ngôi nhà thứ hai
Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) trong những trận đấu… không có sự góp mặt của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vẫn đông kín khán giả. Hơi thở bóng đá len lỏi vào từng ngỏ nhõ, phố nhỏ của TP Việt Trì vốn thường chỉ nổi tiếng với Khu di tích văn hóa đền Hùng, nay vụt trở thành một “Thánh địa mới của bóng đá tại Việt Nam”. Tình yêu bóng đá mà người dân Phú Thọ dành tặng cho các đội khác trong bảng A, rất đáng trân trọng.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam bùng nổ trên khán đài sân Phú Thọ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cổ động viên Việt Nam đã phá bỏ suy nghĩ một chiều rằng, có đội chủ nhà thi đấu mới đến sân ủng hộ. Mong rằng điều này sẽ tạo nên sự kích thích cho khán giả chủ nhà các kỳ SEA Games kế tiếp. Và tất nhiên, các cầu thủ dưới sân được tiếp thêm tinh thần thi đấu, mang đến những pha bóng hay, trận cầu đẹp mắt để đền đáp sự mong chờ từ mọi người.
Sân vận động Thiên Trường (Nam Định), một “thánh địa bóng đá” thật sự, không được tổ chức một trận đấu nào của đội Việt Nam. Nhưng bất chấp việc trên sân đấu là đội bóng nào, Lào, Campuchia, thậm chí cả “kình địch” Thái Lan, khán giả ở Thiên Trường đều dành tặng sự ủng hộ nhiệt thành, sôi động và cực kỳ vô tư. Không phải tự nhiên mà câu nói: “Anh em 18 (biển số xe Nam Định) mãi đỉnh!” đã trở thành hot-trend trên mạng xã hội.
Cổ động viên trên sân Thiên Trường.
Người dân thành Nam đón chào các đội tuyển đến quê hương của họ bằng bầu không khí cuồng nhiệt, cổ vũ bằng sự vô tư và khách quan. Cũng chính sự nhiệt thành ấy không ít lần đẩy ban tổ chức vào thế khó xử khi phải sớm “đóng cửa” sân để tránh vỡ trận, điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá nam SEA Games.
Những gì đã diễn ra ở Việt Trì, ở Thiên Trường, không chỉ cho thấy tình yêu bóng đá tuyệt vời của người dân Việt Nam mà còn là minh chứng cho sự vô tư trong công tác cổ vũ của người dân địa phương tại SEA Games 31. Đây là lần đầu trong lịch sử 63 năm phát triển của Đại hội Thể thao Đông Nam Á, các cầu thủ tham dự SEA Games nhận được sự ủng hộ vô tư và công tâm từ cổ động viên nước chủ nhà, như thể họ đang được thi đấu tại quê nhà mình vậy.
Khán giả cuồng nhiệt của bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nữ Trưởng đoàn đội tuyển Thái Lan Nualphan Lamsam đã bị tình yêu của người hâm mộ Nam Định mê hoặc. Trước và sau mỗi trận, người phụ nữ quyền lực của bóng đá Thái Lan đi vòng sân Thiên Trường để gửi lời cảm ơn người hâm mộ. Bà còn dành những lời mỹ miều đăng tải trên trang cá nhân, thông tin đến người hâm mộ ở quê nhà về tình cảm mà khán giả Việt Nam dành tặng đội tuyển xứ Chùa vàng. HLV Brad Maloney cùng các tuyển thủ Malaysia được “trẩy hội” ở cả Thiên Trường lẫn Việt Trì đã phải thốt lên: “Tôi yêu mảnh đất, con người Việt Nam và rất vui khi thấy bầu không khí như vậy”.
Thể thao kết hợp du lịch
Thể thao kết hợp du lịch là đích ngắm mà tất cả các địa phương có danh thắng, sở hữu những địa điểm du lịch nổi tiếng trên dải đất hình chữ S đang hướng đến. Du khách sẽ vừa được đắm chìm trong một cuộc khám phá bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, vừa có dịp thưởng thức những trận bóng đá, bóng chuyền, màn so găng quyền Anh, đua thuyền… đỉnh cao ngay tại nơi họ đặt chân đến.
Sự kết hợp ấy sẽ đem đến những nguồn thu khổng lồ cho các địa phương “thức thời” và chịu khó nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến về mô hình Thể thao - Du lịch thu hút không chỉ du khách quốc nội, mà còn khách quốc tế.
Khán giả cuồng nhiệt của bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Minh chứng là đây: từ Nam Định đến Phú Thọ, từ Nhà thi đấu Đại Yên (Quảng Ninh) đến 18 địa điểm tổ chức thi đấu ở thủ đô Hà Nội, từ Bắc Ninh đến Hải Dương, xuôi về Hải Phòng, lên vùng cao Hòa Bình, hình ảnh các khán đài đầy ắp khán giả, du khách đã tạo nên hình ảnh rất đẹp để chúng ta giới thiệu đến bạn bè ASEAN và thế giới về Việt Nam mến khách, thân thiện và hòa đồng. “Ngọn lửa” trên khán đài đưa SEA Games 31 lan tỏa hơn với cộng đồng quốc tế - tưởng chừng bị lãng quên bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xa hơn, Việt Nam cũng chính là điểm đến du lịch an toàn sau đại dịch, kích cầu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sân Việt Trì luôn chào đón đông đảo CĐV đến dự khán.
Nước chủ nhà Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt các đoàn thể thao, nỗ lực cùng chung tay xây dựng khối ASEAN đúng với slogan SEA Games 31: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. “Lửa” từ Thiên Trường, Việt Trì hay ở Cẩm Phả sẽ lan tỏa đến Mỹ Đình (Hà Nội) cho trận chung kết bóng đá nam Việt Nam - Thái Lan diễn ra 19 giờ tối nay 22-5 để khép lại kỳ SEA Games 31 thành công mỹ mãn về công tác tuyên truyền và khán giả.
Ở môn điều kinh, câu chuyện về VĐV chạy đường trường Felisberto De Deus (người Timor Leste, từng dự Olympic Tokyo 2020 nội dung 1.500m) cầm cờ Việt Nam ăn mừng chiến thắng HCB lịch sử cùng… 2 VĐV nước chủ nhà, rồi việc anh chủ động chào cờ trên bục nhận huy chương khi quốc ca Việt Nam vang lên, là hành động đáng trân trọng và đầy ý nghĩa.
Đó đơn giản chỉ là cách tri ân mà De Deus dành tặng khán giả Việt Nam sau khi được cổ động viên nước chủ nhà ủng hộ hầu như tuyệt đối, chỉ thua “chút xíu” so với cường độ ủng hộ dành cho VĐV Việt Nam. Đến SEA Games 31 tại Việt Nam mà không có bạn bè và người thân cổ vũ, đoàn thể thao Timor Leste nói chung và De Deus nói riêng đã nhận được sự trân trọng không chỉ từ ban tổ chức mà còn từ cổ động viên Việt Nam. Tuy thi đấu ở một đất nước xa lạ, nhưng những VĐV Timor Leste có cảm nhận như họ đang được thi đấu tại quê nhà.
SEA Games, Đại hội thể thao của kết nối - giao lưu - và đoàn kết giữa các dân tộc, các quốc gia ASEAN chỉ thật sự có ý nghĩa khi đất nước đứng ra tổ chức giải đấu trở thành ngôi nhà thứ 2 của các đoàn thể thao và VĐV nước ngoài, không phải là nơi để chủ nhà “vơ vét” huy chương và thành tích bất chấp thủ đoạn. SEA Games 31 đã thể hiện trọn vẹn giá trị đó.