Từ cú nhảy xa đoạt HCV Asiad của Bùi Thu Thảo đến việc lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam có gì giống nhau? Đó là lần đầu tiên chúng ta có cảm nhận chính xác nhất về năng lực vượt qua các giới hạn bản thân.
Trong thể thao đỉnh cao, điền kinh và bóng đá không được phân hạng cân, đồng nghĩa với việc VĐV Việt Nam luôn chịu bất lợi về mặt thể hình. Kể từ khi tái hòa nhập với thể thao thế giới ở Olympic Moskva năm 1980 đến nay, những người hoạch định thể thao nhiều lần muốn bỏ cuộc trong tham vọng chinh phục các môn Olympic bởi quá trình cải thiện thể chất của người Việt quá chậm.
Có những giai đoạn, ngân sách thể thao chỉ tập trung vào những môn “đi tắt, đón đầu” như các môn võ. Tuy nhiên, với một đất nước có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội thì thể thao không thể cứ mãi tụt hậu.
HCV của Bùi Thu Thảo và đẳng cấp mới được xác lập của bóng đá nam đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có cách để chinh phục đỉnh cao châu lục và thế giới bằng nỗ lực và sự đầu tư khôn ngoan cho yếu tố con người để khỏa lấp các giới hạn chủ quan.
Lấy ví dụ cụ thể từ đội tuyển Việt Nam. Những cầu thủ trong tay HLV Park Hang-seo thật ra không mới mẻ. Đó từng là đội bóng đá mãi mà không thể ghi bàn vào lưới Indonesia rồi để thua tan tác trước Thái Lan ở SEA Games 2017.
Không ít người, bao gồm cả các cầu thủ, thời điểm đó còn mất lòng tin vào chính mình, trước khi HLV Park Hang-seo đến và tạo ra sự đổi thay không thể tưởng tượng được.
Rõ ràng, bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng nhưng có một lỗ hổng rất lớn về mặt phương pháp thực hiện để phát huy các điểm mạnh, trở thành nền tảng cho sự phát triển về đẳng cấp.
Và đấy cũng chính là mối lo lớn nhất ngay khi chúng ta phát hiện được những năng lực khác biệt của mình. Cũng lấy ví dụ trong bóng đá, thành công của đội tuyển Việt Nam đến ngay khi nền bóng đá nội địa gần như chẳng còn bao nhiêu doanh nghiệp có đam mê đầu tư.
Chúng ta dễ dàng nói rằng, cần phải đầu tư thêm cho bóng đá trẻ, thêm các lò đào tạo, thêm các tuyển U… nhưng thực tế là hiện nay, V-League kém rất xa so với 10 năm trước, thời điểm mà hàng chục doanh nghiệp thuộc “CLB ngàn tỷ” ồ ạt đầu tư vào bóng đá. Trong khi đó, hiện nay V-League còn bị xem giải đấu của “Các CLB của bầu Hiển và phần còn lại”.
Để có thế hệ hiện nay trong tay HLV Park Hang-seo, chúng ta đã mất đến 10 năm để sàng lọc tính từ thời điểm V-League hưng thịnh nhất. Vậy thì với thực trạng hiện nay, 10 năm sau sẽ ra sao? Thật khó để tin rằng mọi thứ tốt hơn bây giờ khi yếu tố cạnh tranh của nền bóng đá hầu như bằng 0. Đấy là chưa nói, thầy Park không thể làm việc lâu dài với bóng đá Việt Nam.
Dù sao, với niềm vui của một năm đại thành công vừa qua, TTVN đã có được sự khích lệ cũng như những đòi hỏi quyết liệt hơn từ người hâm mộ để hi vọng sẽ có nhiều thay đổi trong các chiến lược phát triển ở tầm cao mới.