Bóng chuyền Việt Nam tìm thêm nguồn tài trợ cho giải vô địch quốc gia

Bóng chuyền Việt Nam bắt đầu tìm kiếm các nguồn tài trợ giải vô địch quốc gia do gói tài trợ với nhà tài trợ hiện tại sẽ hết hợp đồng sau năm 2024.

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia hy vọng có nhiều nhà tài trợ đồng hành để có nguồn lực mạnh tổ chức. Ảnh: VFV
Giải bóng chuyền vô địch quốc gia hy vọng có nhiều nhà tài trợ đồng hành để có nguồn lực mạnh tổ chức. Ảnh: VFV

> Giải vô địch quốc gia 2025 sẽ được xem xét thể thức thi đấu phù hợp

Năm 2025 sẽ có nhà tài trợ mới?

Hiện tại, giải bóng chuyền vô địch quốc gia đang được tài trợ từ Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang của doanh nhân Đào Hữu Huyền. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và đơn vị đối tác này đã ký hợp đồng tài trợ giải vô địch quốc gia trong 3 mùa giải (năm 2022, 2024, 2024). Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn kỳ vọng sẽ tái ký được hợp đồng tài trợ mới với đơn vị này. “Năm nay là năm cuối của hợp đồng tài trợ, Liên đoàn bóng chuyền cũng đã trao đổi sơ bộ với đối tác trên về hợp đồng. Sau khi giai đoạn 2 giải vô địch quốc gia 2024 khép lại, chắc chắn Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và đối tác sẽ làm việc cụ thể để có những quyết định cuối cùng”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường trao đổi.

Trên thực tế, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn đang tìm kiếm thêm nhà tài trợ đồng hành để có thêm nguồn xã hội hóa tổ chức giải đấu. Trong trường hợp đối tác cũ không tiếp tục ký kết hợp đồng mới khi khép lại hợp đồng cũ (kết thúc mùa giải 2024), bóng chuyền Việt Nam vẫn phải tổ chức giải thuộc hệ thống quốc gia và việc tìm thêm nhà tài trợ đang được thực hiện.

Khi tham dự Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023, đại diện Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng trao đổi rất thẳng thắn rằng các giải đấu thành tích cao của bóng chuyền Việt Nam tìm nhà tài trợ không dễ. Có nhiều lý do để gặp sự khó khăn này. Chính vì vậy, việc trên hết để có tín hiệu tích cực đó là nhà tổ chức phải làm tốt công tác tổ chức giải. “Định vị được giải đấu với nhiều yếu tố quan trọng trong công tác trọng tài, chuyên môn, địa điểm tổ chức... và nhiều yếu tố đồng bộ song hành thì mới nâng dần được hình ảnh của 1 giải bóng chuyền. Chúng ta muốn giải đấu chuyên nghiệp, có được sức hút để tìm được các nhà tài trợ là phải làm việc rất chuẩn chỉ”, ông Trường từng bày tỏ.

Khi nào có nguồn thu từ bản quyền truyền hình

Năm 2025, giải bóng chuyền vô địch quốc gia có 8 đội nam, 8 đội nữ. Lộ trình rút gọn số đội để gia tăng chuyên môn đã hiện thực theo lộ trình mà Ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đưa ra từ nhiều năm trước. Năm 2025 là năm cuối của Ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7 (2021-2025) do vậy, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ có nhiều công việc phải thực hiện. Một trong những vấn đề được giải quyết và trao đổi nhiều trong các cuộc họp của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ở nhiệm kỳ này là công tác vận động tài trợ, tìm nguồn xã hội hóa làm sao đạt hiệu quả nhất.

Khi ký hợp đồng tài trợ cho giải vô địch quốc gia (trong 3 năm), đơn vị đồng hành của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng tiết lộ giá trị mỗi năm gần 4 tỷ đồng. Ít nhất tín hiệu tích cực của giải đấu là mức thưởng cao hơn trước đây. Tổng thưởng giải vô địch quốc gia đang là 2 tỷ 280 triệu đồng. Đội vô địch nam, nữ được nhận 500 triệu đồng/giải.

Không ít ý kiến được đưa ra trước đây rằng tới lúc nào, giải đấu quốc gia của bóng chuyền Việt Nam có nguồn thu từ bản quyền truyền hình bởi nếu thực hiện được điều ấy, đó cũng là một nguồn thu đáng kể cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và các đội bóng. Tuy vậy thực tế cho thấy, giải bóng chuyền vô địch quốc gia vẫn chưa bán được bản quyền truyền hình. Sự phối hợp giữa đơn vị tham gia trực tiếp các trận đấu của giải bóng chuyền vô địch quốc gia hay giải hạng A toàn quốc và một số giải bóng chuyền trẻ quốc gia vẫn đang là sự phối hợp, hỗ trợ nhau. Nguồn thu từ truyền hình trong các giải đấu bóng chuyền trong nước được chia sẻ là chưa khả quan.

Tin cùng chuyên mục