Cách đây vài ngày, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã kết thúc lượt đầu tiên của giải bóng chuyền nữ quốc tế Đông Nam Á (SEA V-League 2023) ở Vĩnh Phúc với vị trí hạng nhì chung cuộc. Đến ngày 8-8, đội lại lên đường sang Thái Lan để chuẩn bị thi đấu lượt thứ hai (khởi tranh ngày 11-8). Nghĩa là nếu tính từ tháng 4, đội tuyển Việt Nam đã đấu liên tiếp 5 giải cấp châu Á và thế giới. HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết, các học trò đã chơi rất “máu lửa” trước đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan ở trận chung kết SEA V-League 2023 (Việt Nam thua 1-3 chung cuộc). Có điều, thể lực của nhiều vị trí chủ lực đã giảm sút đáng kể. “Đội tuyển với lực lượng chính là 14 cầu thủ đã thi đấu liên tục ở các giải quốc tế từ đầu năm đến nay. Các vận động viên chủ lực có dấu hiệu xuống thể lực nên rất cần quãng nghỉ để giúp họ hồi phục”, ông Kiệt bày tỏ.
Chủ công được xem là có nền tảng thể lực cực tốt như đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy trên thực tế cũng đã bị bào mòn sức lực, cho nên cô không đạt được hiệu suất ghi điểm tốt nhất ở trận chung kết gặp Thái Lan cách đây vài ngày. 14 tay đập chính của đội tuyển bóng chuyền nữ đã đấu Cúp các CLB nữ châu Á 2023 (đánh 5 trận), SEA Games 32 (5 trận), AVC Challenge Cup 2023 (6 trận), FIVB Challenge cup 2023 (1 trận chính thức, 1 trận giao hữu), SEA V-League 2023 (3 trận lượt đi). Tức là, Thanh Thúy và các đồng đội đã đấu liên tiếp 19 trận quốc tế, nhiều gần gấp 3 lần so với thường lệ. Từ nay đến hết năm 2023, đội tuyển nữ Việt Nam còn dự lượt thứ nhì của SEA V-League 2023 (tháng 8), VTV Cup 2023 (tháng 8), giải vô địch châu Á 2023 (tháng 9), Asiad 19 (tháng 9), giải vô địch các CLB nữ thế giới 2023 (tháng 12). Chưa kể, xen kẽ thời điểm cuối năm, các vận động viên sẽ được trả về CLB để thi đấu ở vòng 2 giải vô địch quốc gia 2023 tại Đắk Nông và Đà Nẵng.
“Thông thường mỗi năm, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ dự từ 1-3 giải quốc tế và số trận mà cầu thủ được đấu có hạn. Năm nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cởi mở hơn khi đăng ký nhiều giải cho đội tuyển nên bắt buộc ban huấn luyện phải tính toán cụ thể, sử dụng luân phiên nhân sự để đội không rơi vào tình trạng quá tải nếu chỉ dùng một đội hình”, ông Kiệt cho biết thêm.
Bên cạnh 14 tay đập chính thức, ban huấn luyện đã gọi bổ sung thêm 14 gương mặt nữa để có 28 tuyển thủ thường trực. HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lý giải rằng quân số từ 28-30 tuyển thủ cần được tập luyện với nhau lâu dài để thay đổi trong mỗi giải đấu và không rơi vào việc chỉ phụ thuộc vào một đội hình chính từ đầu tới cuối. Cách làm này đang đi theo hướng mà bóng chuyền nữ Thái Lan từng thực hiện từ… 20 năm trước, giúp giảm tải cho tuyển thủ, đồng thời xóa dần khoảng cách về trình độ chuyên môn giữa đội hình chính và các vận động viên dự bị.
Theo Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, việc các tuyển thủ được dự nhiều giải quốc tế là rất tốt, nhưng song song đó cần có sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng, HLV thể lực, bác sĩ hồi phục…