Bệ phóng cho thể thao TPHCM

Với những hành lang pháp lý thuận lợi, cùng với những quyết sách mạnh mẽ từ chính quyền, kỳ vọng năm 2024 thể thao TPHCM sẽ có những bước đột phá từ chính người làm thể thao của thành phố.

Trong năm 2023, TPHCM đã chi hơn 700 tỷ đồng cho sự nghiệp thể thao. Dự kiến trong năm 2024, nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao của thành phố còn tăng hơn nữa khi HĐND TPHCM vừa thông qua đề án đăng cai và tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2026 với tổng kinh phí dự kiến gần 1.000 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư rất quan trọng để phát triển thể thao thành phố, góp phần vào sự phát triển của thể thao cả nước.

h6b-3895.gif
Sân Thống Nhất sẽ được nâng cấp để phục vụ chiến lược phát triển thể thao TPHCM. Ảnh: P.NGUYỄN

Thể thao TPHCM luôn được đánh giá là năng động, sáng tạo, đi đầu so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng nếu so với kinh tế - xã hội, ngành thể thao vẫn phải nỗ lực để có những cú hích mạnh mẽ, nhất là cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và khoa học thể thao xứng tầm, từ đó cải thiện và vươn lên xứng đáng so với sự mong đợi của người dân thành phố.

Trong đó, tin vui đối với thể thao thành tích cao thời gian qua chính là việc HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 05 về chế độ dinh dưỡng, khen thưởng cho HLV và VĐV từ năm 2022. Đây là nền tảng để xốc lại thể thao thành phố, khuyến khích nhân tài, tạo tâm lý yên tâm cho VĐV tập luyện cống hiến. Bên cạnh đó, Nghị quyết 98/2013/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ mở ra cho thành phố nhiều quyền chủ động hơn, là điều kiện thuận lợi để thành phố đầu tư mạnh cho thể thao. Danh mục các dự án tiềm năng để thu hút đầu tư đã được phê duyệt tại kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa 10 diễn ra trung tuần tháng 12, được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho thể thao cất cánh.

Có thể thấy ngành thể thao thành phố đã sớm nhìn rõ những tồn tại của mình và quyết liệt hành động để thay đổi bằng cách tháo gỡ từng phần khó khăn và kiên trì theo đuổi các mục tiêu về thành tích thi đấu. Có thể lấy đề án đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc làm điển hình. Thông thường, việc soạn thảo điều lệ, quy định số môn thi đấu chỉ tiến hành trước thời điểm diễn ra đại hội tầm 3-6 tháng, nhưng lần này, TPHCM làm trước 3 năm, nêu rõ số lượng môn và nội dung dự kiến tổ chức. Cách làm này giúp thành phố chủ động chuẩn bị địa điểm và lộ trình xây dựng lực lượng VĐV.

Trong 9 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc trước đó, Hà Nội đã đăng cai 5 lần, nhưng TPHCM chỉ mới một lần - cách đây đã 20 năm. Có thể nói, việc đăng cai đại hội được kỳ vọng như “điểm khởi đầu” cho thể thao thành phố trong công tác quy hoạch toàn diện hệ thống cơ sở vật chất và nguồn lực con người. Ngân sách tổ chức đại hội chủ yếu tập trung cho việc nâng cấp một loạt địa điểm thi đấu, xây mới trung tâm đào tạo VĐV năng khiếu. Đây là việc phải làm trong khi chờ đợi quá trình khơi thông nguồn vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm theo tinh thần của cơ chế đặc thù dành cho thành phố. Nói cách khác, cả hệ thống của ngành thể thao vào cuộc từ quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc.

Việc khởi động sớm quá trình tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc cũng là một cuộc sát hạch chung cho ngành thể thao. Nếu thành công, đây là cơ sở để thể thao TPHCM tự tin xây dựng những đề án đăng cai các sự kiện châu Á có tính khả thi cao, tạo tiền đề thúc đẩy việc xây dựng các công trình thể thao đẳng cấp mà thành phố đang thiếu. Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để rà soát chất lượng, mức độ hiệu quả trong hoạt động phục vụ cộng đồng cư dân và hoạt động tập luyện của những cơ sở vật chất hiện tại, có hướng xử lý để tạo nguồn cho việc xây dựng công trình mới.

Với những hành lang pháp lý thuận lợi, cùng với những quyết sách mạnh mẽ từ chính quyền, kỳ vọng năm 2024 thể thao TPHCM sẽ có những bước đột phá từ chính người làm thể thao của thành phố.

Tin cùng chuyên mục