Ở Syria trong những ngày này, thể thao là thứ kém thiết yếu nhất. Người ta đang sống để chiến đấu, để sinh tồn và thể thao đứng ở vị trí thấp nhất trong thứ tự ưu tiên. Đó là lý do, dù là niềm hy vọng giành huy chương Thế vận hội số 1 của thể thao Syria, anh Majd Eddin Ghazal (nhảy cao, hạng 7 tại kỳ Olympic Rio de Janeiro 2016, nhưng thắng HCĐ ở Giải Vô địch thế giới điền kinh ở London 2017) vẫn không nhận được nhiều sự hỗ trợ.
Ghazal là một tài năng điền kinh của Syria. Anh này sinh ngày 21-4-1987 tại thủ đô Damascus. Tham gia Thế vận hội từ Olympic tại London hồi năm 2012, Ghazal tuy không giành được thành công (xếp hạng 28 ở vòng đấu loại và không giành được quyền vào thi đấu ở vòng nhảy chung kết), nhưng đã gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm. Tại Giải vô địch thế giới ở Beijing - Trung Quốc, hồi năm 2015, ngay tại SVĐ Tổ chim, Ghazal đã vượt qua mức xà 2 mét 29, chỉ trong lần nhảy đầu tiên, thành tích đã phá được Kỷ lục quốc gia của Syria…
Đến tháng 5-2016, Ghazal tỏa sáng ở giải đấu International World Challenge (IWC), cũng diễn ra tai SVĐ Tổ chim (Beijing). Trên con đường giành tấm HCV ở sự kiện thi đấu này, Ghazal lập 3 KLQG liên tiếp khi chinh phục thành công các mức xà: 2 mét 32, 2 mét 34 và 2 mét 36. Ở thời điểm đó, anh chính là VĐV nhảy xa có thành tích tốt nhất trong mùa giải thi đấu của IAAF (Liên đoàn điền kinh quốc tế). Tuy vậy, anh thi đấu không thành công ở Rio trong cùng năm.
Ở nội dung nhảy cao, diễn ra tại SVĐ Olympic Nilton Santos trong 3 ngày 14-8-2016 đến 16-8-2016, Ghazal vượt qua vòng loại với thành tích 2 mét 29 (thành công ở lần nhảy thứ 2). Tuy vậy, ở vòng nhảy chung kết, sau khi dễ dàng vượt qua mức xà này, Ghazal đã lại thất bại trong việc chinh phục mức xà 2 mét 33. Trong cả 3 lần nhảy, anh đều không thể vượt qua mức xà này và cuối cùng, chấp nhận dừng bước ở vị trí hạng 7 chung cuộc.
Thành tích thắng huy chương nhảy cao nam ở Rio 1-HCV: Derek Drouin (Canada): 2 mét 38 - thất bại khi nâng mức xà lên 2 mét 40 2-HCB: Mutaz Essa Barshim (Qatar): 2 mét 36 - thất bại khi nâng mức xà lên 2 mét 38 3-HCĐ: Bohdan Bondarenko (Ukraine): 2 mét 33 - thất bại khi nâng các mức xà 2 mét 36 và 2 mét 38 |
Thế rồi, Ghazal cũng xác lập được danh phận ở đấu trường quốc tế. Tại Giải Điền kinh vô địch thế giới tại London hồi 4 năm trước, Ghazal thi đấu rất thành công. Ở vòng đấu loại, anh vượt qua mức xà 2 mét 29 “phổ thông”, xếp ở vị trí thứ 7, nhưng thành tích chỉ thua “nhóm 6 dẫn đầu” có cùng thành tích là 2 mét 31.
Ở vòng thi chung kết, anh vẫn vượt qua mức xà 2 mét 29 và có tấm HCĐ, chỉ xếp sau Barshim (2 mét 35) và Danil Lysenko (2 mét 32). Ghazal vẫn tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi giành HCĐ ở Asian Games diễn ra 1 năm sau, trước khi thắng HCV ở Giải Vô địch châu Á hồi năm 2019 với thành tích 2 mét 31…
“Chúng tôi chưa thể tìm ra giải pháp cho vấn đề này suốt 4 năm qua”, Ghazal thành thật chia sẻ, “Tôi kiên quyết muốn tiếp tục làm việc với HLV Sarraj, nhưng ông ấy lại đang làm việc ở Oman và chúng tôi vẫn đang cố gắng cậy nhờ ông ấy hỗ trợ cho công tác huấn luyện ở Tokyo”. Ghazal, sau chuyến tập huấn tại Oman hồi tháng 3, đang phải tập luyện một mình. Anh cũng không thể thực hiện thêm các chuyến ra nước ngoài tập huấn khác, khi mà tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, xuất nhập cảnh quốc tế.
“Tình trạng dịch bệnh của virus corona đương nhiên tác động lớn đến các kế hoạch tập luyện. Dù sao, sự chuẩn bị của tôi dành cho kỳ Thế vận hội này vẫn là tốt hơn so với kỳ Olympic Rio de Janeiro. Không có gì là không thể”, VĐV không có thêm bất kỳ cuộc thi đẳng cấp quốc tế nào suốt từ năm 2019 cho đến nay chia sẻ.
Tuy vậy, thực tế sự tự tin của anh ít nhiều ảnh hưởng khi phải đến Tokyo mà không có một ông thầy dẫn dắt thật sự. Đơn giản vì: “Tôi không biết sự thật về năng lực hiện tại của mình!”. Xét về mặt lý thuyết, thành tích cá nhân tốt nhất 2 mét 36 giúp Ghazal nuôi hy vọng về tấm huy chương Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp, và là tấm huy chương Olympic thứ 4 trong lịch sử của thể thao Syria. Nhưng anh có đạt trạng thái “đỉnh phong” để chinh phục mức xà đó?
Ngoài Ghazal, Đoàn thể thao Syria tham dự Thế vận hội tại Nhật Bản còn có Man Asaad (cử tạ), Ahmed Hamso (cưỡi ngựa), Ayman Kalzier (bơi lội), Mohamed Masso (3 môn phối hợp) và cả… Hind Zaza, nữ VĐD duy nhất trong đoàn, tay vợt bóng bàn năm nay mới chỉ 12 tuổi.
Nói chung, thể thao Syria gặp rất nhiều khó khăn khi chuẩn bị cho Thế vận hội năm nay, nhưng mà ngoài Ghazal, họ còn có niềm hy vọng khác, đó là Asaad. “Chúng tôi cũng hy vọng là Asaad sẽ giành được huy chương”, một đại diện của thể thao Syria có tâm sự.