Những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên liên quan đến các VĐV cư trú ngay trong Làng thế vận đã xảy ra chỉ 1 ngày, sau khi 1 đồng đội của những người này có kết quả xét nghiệm là dương tính. 3 ca nhiễm bệnh trong Khu phức hợp đã, đang và sẽ đón hàng ngàn con người từ nhiều quốc gia khác nhau, đang khiến nhiều người Nhật Bản lại đặt ra một câu hỏi xưa cũ những cũng rất bức thiết: “Liệu có nên tiếp tục tổ chức kỳ Olympic Tokyo 2020 bằng mọi giá???”.
Người phát ngôn của BTC kỳ Olympic Tokyo 2020, ông Masa Takaya, lên tiếng cho biết rằng “3 trường hợp nhiễm bệnh này cùng đến từ 1 đội tuyển thể thao của 1 quốc gia". Hiện tại, họ “bị cách ly trong phòng cư trú của mình và BTC đang cung cấp các bữa ăn cho họ”. Ông Takaya cũng cho biết thêm rằng “những người còn lại trong đội thể thao này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả”. Tuy vậy, danh tính các VĐV nhiễm bệnh vẫn được giữ kín.
Làng Thế vận, Khu phức hợp rộng lớn gồm các căn hộ sạch sẽ, tiện nghi, dành cho các VĐV nghỉ ngơi, và những khu ăn uống đa dạng để phục vụ đồ ăn thức uống cho mọi người, có sức chứa lên đến 6.700 người. Đây sẽ là nơi ở của các VĐV, của quan chức các đoàn thể thao thuộc các quốc gia đến tham dự Thế vận hội tại Nhật Bản. Sau nhiều trì hoãn, cuối cùng Làng Thế vận cũng đã được mở cửa, nhưng mà chỉ để… “cách ly” các VĐV khi tình trạng đang xấu đi?
Trước sự phản đối của không ít người dân Nhật Bản, BTC Olympic Tokyo đã phải áp dụng các giao thức - các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, rất nghiêm ngặt để giảm thiểu những rủi ro về y tế - sức khỏe - an toàn của các VĐV đến tham gia thi đấu, và của cộng đồng cư dân địa phương đang sinh sống xung quanh các địa điểm thi đấu. Dù vậy, việc bảo đảm an toàn khi mở cửa cho cả chục ngàn con người cùng tiến vào Nhật Bản, là chuyện hết sức phức tạp.
Giám đốc điều hành Olympic Games, ông Christophe Dubi, cho biết: “Việc các VĐV ở trộn lẫn hay vượt qua hàng rào để tiếp xúc với khu dân cư là rất hạn chế. Chúng tôi luôn cố gắng giữ rủi ro ở mức độ tối thiểu nhất. Chúng tôi cũng có thể bảo đảm rằng, việc truyền tải, liên hệ giữa các nhóm người khác nhau gần như là không thể”. Tất nhiên, “tối thiểu”, hay là “gần như”, không phải là “tuyệt đối” và “hoàn toàn”. Sự khác biệt này không nhỏ.
Trước áp lực của nhiều người dân Nhật Bản, Chủ tịch IOC - Thomas Bach, có lên tiếng trấn an dư luận: “Không bao giờ có chuyện 100% dư luận ủng hộ Olympic tại Nhật Bản. Đây là một phần của sự dân chủ. Sẽ luôn có những ý kiến, quan điểm khác biệt và chúng ta phải hiểu rằng, các cuộc tranh cãi, thảo luận sẽ càng lúc càng trở nên nóng bỏng hơn và có thêm nhiều cảm xúc hơn do tình trạng dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở Nhật Bản”.
“Mọi người đều đang bị áp lực căng thẳng. Họ phải đối phó với những thứ không hề chắc chắn, điều đó khiến họ hoài nghi với Thế vận hội. Đây là cuộc sống con người. Chúng tôi chỉ cố gắng xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp cứng rắn chống lại Covid-19. Chúng tôi không cần thành công 100%. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, ngay khi người Nhật xem các VĐV quê nhà trình diễn tại kỳ Olympic, thái độ của họ sẽ trở nên chân thành hơn!”.
Nhưng chắc chắn, căng thẳng và mệt mỏi là thứ mà các VĐV đang phải đối mặt, dù họ vẫn chưa phải bước ra sân đấu. Các VĐV đến với Thế vận hội buộc phải sinh hoạt trong một môi trường hạn chế, không còn được tự do tham quan, mua sắm, chơi bời như ở các kỳ Olympic trước đây. Họ không thể đi ra bên ngoài khu cách ly dành cho Olympic. Thậm chí, họ được lệnh phải rời khỏi Nhật Bản chỉ 48 tiếng sau khi hoàn tất màn thi đấu của mình. Đó không phải là thi đấu thể thao nữa, nó giống môi trường quân đội và “thiết quân luật”.