Anh em cựu danh thủ Thế Anh - Cao Cường - “Lửa đam mê” vẫn đượm trong tim

Thời trẻ, dù dáng vẻ bề ngoài rất khác nhau, nhưng họ đã cùng nhau góp phần tạo nên một “đại danh” Thể Công đầy hiển hách trong làng bóng Việt Nam. Tới lúc “xế chiều”, về hưu, dù mỗi người chọn một cách “dưỡng già” khác nhau, nhưng trong trái tim họ, niềm đam mê dành cho trái bóng tròn vẫn còn nguyên đấy...
Anh em cựu danh thủ Thế Anh - Cao Cường - “Lửa đam mê” vẫn đượm trong tim

Thời trẻ, dù dáng vẻ bề ngoài rất khác nhau, nhưng họ đã cùng nhau góp phần tạo nên một “đại danh” Thể Công đầy hiển hách trong làng bóng Việt Nam. Tới lúc “xế chiều”, về hưu, dù mỗi người chọn một cách “dưỡng già” khác nhau, nhưng trong trái tim họ, niềm đam mê dành cho trái bóng tròn vẫn còn nguyên đấy...

  • “Ba Đẻn” Nguyễn Thế Anh: “Đời đơn giản thế thôi...”

Chỉ cần nghe tới cái biệt danh “Ba Đẻn” (đẻn là con rắn biển), những người hâm mộ cao niên hẳn đều có thể lập tức hình dung về một “quái kiệt”: dáng vóc nhỏ bé, đen nhẻm, chân vòng kiềng, nhưng bù lại, có lối chơi bóng nhanh nhẹn, khéo léo và vô cùng tinh quái.

Ít người biết rằng chính bởi cái chiều cao (hơn 1,6m một chút) hạn chế ấy mà suýt chút nữa Nguyến Thế Anh, con trai cựu danh thủ Thìn “A” bị loại trong cuộc tuyển chọn của Thể Công năm 1966. May có sự bảo lãnh của ông Ngô Xuân Quýnh, chính trị viên của Thể Công thời ấy, chàng trai tuổi 17 Nguyễn Thế Anh mới được nhận. Cuối năm 1967-1968, lứa trẻ ấy của Thể Công, ngoài Thế Anh còn có những Nguyễn Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Phạm Xuân Thêu... được đưa đi tập huấn dài hạn tại CHDCND Triều Tiên.

Ngay từ trận đấu chính thức trong màu áo Thể Công (giao hữu với tuyển Cuba) năm 1970, ấn tượng về một tiền đạo nhỏ bé có những pha bứt tốc rồi bất thần “thắng gấp” đã trở nên vô cùng sâu đậm đối với người hâm mộ. Kể từ ấy, “Ba Đẻn” trở thành một ngòi nổ vô cùng đáng sợ trong màu áo Thể Công, cùng các đồng đội tạo nên những chiến công lừng lẫy...

Ông về hưu năm 2008 sau 40 năm cống hiến. Lạ ở chỗ, trong khi nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa trăn trở “làm gì đây?”, thì “Ba Đẻn” lại vô tư từ chối mọi lời mời làm huấn luyện viên tại V.League hay giải hạng nhất. Ông tìm thấy niềm vui với những chậu cây cảnh, bầu bạn với những chú chim và chiêm nghiệm cuộc đời với thú vui đọc sách. Ông gần như từ chối mọi đề nghị phỏng vấn, vì “đời tôi đơn giản lắm, chỉ là một anh đá bóng tới khi nghỉ”. Trong nhà ông cũng chẳng trưng các loại bằng khen, ảnh lưu niệm một thời lừng lẫy...

Nhưng tình yêu bóng đá thì vẫn nguyên vẹn trong trái tim Ba Đẻn. Ông vẫn rất bồi hồi và đau mỗi khi nhắc tới 2 từ Thể Công (nay đã không còn nữa). Ngao du đây đó, thăm thú bạn bè và tất nhiên, chơi bóng đá (ở sân phong trào dành cho các lão tướng) vẫn đem lại cho ông niềm vui đặc biệt, hơn mọi thú giải trí nào khác trên đời.

Ông Thìn “A” cùng hai con trai Cao Cường (trái) và Thế Anh. Ảnh: T.L.

Ông Thìn “A” cùng hai con trai Cao Cường (trái) và Thế Anh. Ảnh: T.L.

  • Nguyễn Cao Cường: Giữ “lửa” cho bóng đá Hà thành

Khác với anh ruột Thế Anh, Cao Cường – sinh năm 1954, kém Ba Đẻn 5 tuổi - có chiều cao khá tốt (1,73m, thời những năm 70 đã là chiều cao lý tưởng), sức vóc kèm theo tốc độ “trời sinh” khiến anh mau chóng “lọt mắt xanh” các thầy ở Thể Công sau khi được Ba Đẻn giới thiệu vào đội.

Cao ráo, kỹ năng đánh đầu khá và sút bóng bằng 2 chân rất giỏi, Cao Cường mau chóng trở thành một tiền đạo hàng đầu ở Thể Công. Đầu những năm 70, khả năng săn bàn của Cường “khét tiếng” tại giải Hồng Hà (tức giải vô địch miền Bắc). Giải VĐQG chính thức ra đời năm 1980, tới mùa giải 82-83, anh là vua phá lưới với kỷ lục 22 bàn thắng (23 trận). Kỷ lục này tồn tại 25 năm, tới năm 2008, Almeida của SHB Đà Nẵng mới vượt qua với 23 bàn, nhưng thi đấu tới 26 trận.

Một trong những bí quyết thành công của trung phong Cao Cường chính là sự cần cù trong rèn luyện thể lực. Giới mộ điệu từng truyền tai nhau mẩu chuyện cho thấy tinh thần “tự tu” cực kỳ đáng nể của ông. Năm 1995, ông được vinh dự nhận danh hiệu tiền đạo xuất sắc nhất Việt Nam giai đoạn 1975-1995 do báo Lao động bình chọn.

Sau 20 năm thi đấu đỉnh cao, năm 1990, Cao Cường treo giày và tham gia huấn luyện các lứa trẻ Thể Công. Các học trò ruột của ông đều thừa nhận đã học được rất nhiều điều ở người thầy của mình, đặc biệt nhất chính là niềm đam mê như vô tận và đạo đức sân cỏ. Sau này, ông từng được bổ nhiệm làm quyền HLV trưởng, giám đốc kỹ thuật, phó giám đốc điều hành của CLB. Cho đến khi Thể Công bị xóa sổ (chuyển giao phiên hiệu lại cho Thanh Hóa trước mùa giải 2010), ông quyết định về hưu.

Thể Công không còn nữa, nhưng trong Cao Cường vẫn còn nguyên nỗi trăn trở với bóng đá Hà Nội. Vậy là Cao Cường nhận lời mời của ông bầu Đỗ Quang Hiển để đến với Hà Nội T&T trong vai trò một giám đốc phát triển chiến lược thể thao. Năm mươi bảy tuổi, sức khỏe có thừa, ông muốn tranh thủ truyền lại “ngọn lửa” cho các thế hệ trẻ bóng đá thủ đô...

Nếu bạn biết rằng đằng sau một Hà Nội T&T đang thi đấu tại V.League mùa này có cả một kế hoạch phát triển với hệ thống bóng đá trẻ khá quy mô, thì đấy chính là một trong những “tác phẩm” mới của ông giám đốc - cựu danh thủ Nguyễn Cao Cường!  

HỮU BÌNH

Tin cùng chuyên mục