Thế nhưng đấy chưa phải là điều đáng lo nhất. Điều đáng lo hơn là cái “vùng trũng” ấy cho đến SEA Games 29 vẫn chưa thay đổi, phát triển để có thể trở nên “cao hơn”, mà nguyên nhân chính là do các nền bóng đá trong khu vực thiếu tính cạnh tranh cũng như thiếu sự phát triển bền vững mang tính liên tục.
Việc thiếu tính cạnh tranh thể hiện ở chỗ trong khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài đội bóng thay phiên nhau lọt vào trận chung kết tranh chức vô địch SEA Games như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Myanmar... Trong khi đó, các đội bóng “chiếu dưới” như Campuchia, Đông Timor, Brunei, Lào vẫn tiếp tục cam chịu là những “kẻ lót đường”. Đương nhiên những đội bóng này chẳng thể tạo ra được bất cứ sự cạnh tranh nào đáng kể đối với những đội bóng thuộc “chiếu trên” mà những trận thua cách biệt với tỷ số đậm của các đội bóng này trước các đội bóng “chiếu trên” ở SEA Games 29 là bằng chứng cho thấy rõ điều đó.
Những trận đấu tại SEA Games 29 cho thấy bóng đá Đông Nam Á còn bộc lộ sự phát triển thiếu tính liên tục của các quốc gia trong khu vực. Các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á đều không thoát khỏi cảnh thịnh suy theo từng chu kỳ của các lứa cầu thủ. Thái Lan năm nay không mạnh như mọi khi, khởi đầu cũng chậm chạp nhưng cuối cùng vẫn đăng quang ngôi vô địch bằng kinh nghiệm và sự lỳ lợm của mình, cộng với sự giúp sức từ những sai lầm ấu trĩ của các thủ môn đối phương (Việt Nam, Malaysia). Các đội bóng khác trong khu vực đều chưa cho thấy sự ổn định cần thiết mà việc Việt Nam sau những chiến thắng tưng bừng bỗng nhiên sa sút trong 2 trận đấu cuối cùng dẫn đến việc phải sớm dừng chân ngay từ vòng đấu bảng là một minh chứng.
Có thể nói: việc phát triển không ổn định và thiếu tính liên tục của phần lớn các đội bóng Đông Nam Á chính là nguyên nhân lý giải cho thành tích trồi sụt thất thường của các đội bóng này trong những năm qua ở sân chơi khu vực, dẫn đến sự thống trị của bóng đá Thái Lan.