Chắc chắn một điều, chúng ta đã không còn tuyển thủ nào từng dự SEA Games 22-2003 mà vẫn tiếp tục góp mặt ở vai trò VĐV thi đấu tại SEA Games 32 này. Năm ngoái, khi SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, điều ấy vẫn còn với những nhân chứng lịch sử để lại dấu ấn từng là tuyển thủ SEA Games 22-2003 và tiếp tục đấu SEA Games 31-2021 như Trần Quốc Cường, Đặng Hồng Hà (bắn súng) hay Nguyễn Tiến Minh (cầu lông).
Bây giờ, thể thao Việt Nam còn không ít gương mặt của 20 năm trước tại SEA Games 22-2003 nhưng họ đã đóng vai trò là HLV quan trọng với các đội tuyển thể thao quốc gia tại SEA Games 32 ở Campuchia.
Không ai quên chàng trai vàng của TDDC Việt Nam thi đấu SEA Games 22-2003 của 20 năm trước là Trương Minh Sang. Khi đó trên sân nhà, Trương Minh Sang hoàn tất bài biểu diễn ngựa tay quay rồi giành tấm HCB cá nhân quý giá. Lúc này đây, Trương Minh Sang là thành viên quan trọng của đội tuyển TDDC Việt Nam trong vai trò HLV huấn luyện chính huấn luyện các tuyển thủ nội dung nam. Hành trình 20 năm qua các kỳ SEA Games với từng người như HLV Trương Minh Sang có những kỷ niệm buồn, vui khác nhau nhưng trên hết, vị HLV này luôn khẳng định khi ra thi đấu lúc là VĐV rồi khi làm HLV thì sự tập trung lên giây cót tinh thần cho các tuyển thủ quyết tâm chiến thắng, hết mình vì màu cờ sắc áo vẫn luôn mãnh liệt.
Những hình ảnh Trương Minh Sang của thời VĐV với HLV Trương Minh Sang hiện tại không khác nhau bao nhiêu. Vị HLV này vẫn là người tận tâm, luôn sát với những dụng cụ tưởng như vô hồn là xà đơn, xà kép, bục nhảy chống, ngựa tay quay, vòng treo để có những bài tập hoàn hảo nhất với từng tuyển thủ. Hiện tại, ông Sang và ban huấn luyện đang cùng tuyển thủ nam của đội TDDC Việt Nam hối hả chuẩn bị chuyên môn hướng tới SEA Games 32. Vị HLV này từng chia sẻ “Chúng tôi rất thận trọng về chuyên môn và nhắm cơ hội tốt nhất với từng em VĐV. Đại hội năm nay có 8 nội dung nam gồm đồng đội, toàn năng cùng 6 nội dung đơn môn và đội tuyển phấn đấu tranh từ 2 tới 3 HCV”. Hỏi HLV Trương Minh Sang cảm giác hướng tới SEA Games 32 thế nào, ông bảo rằng “khi đã sẵn sàng cho cuộc chinh phục thành tích, tất cả đều rất quyết tâm”.
Hai mươi năm trước, nữ hoàng kata (biểu diễn) của đội karate Việt Nam là Nguyễn Hoàng Ngân cũng góp mặt trong đoàn SEA Games 22-2003. Cùng với bà, HLV Lê Tiến Nguyện (kata nam) cũng là một tuyển thủ. Bây giờ, bà Ngân là HLV phụ trách tổ kata nữ của đội karate Việt Nam còn ông Nguyện phụ trách tổ kata nam của đội tuyển. Các tấm HCV đồng đội kata nam, nữ mà bà Ngân cùng ông Nguyện giành được ở SEA Games 22-2003 vẫn nguyên kỷ niệm đáng nhớ với họ.
HLV Nguyễn Hoàng Ngân và các tuyển thủ kata nữ của karate Việt Nam. Ảnh: HOÀNG NGÂN |
Sau 20 năm, họ đã là những người thầy và đã có kinh nghiệm huấn luyện đáng kể. SEA Games 31 năm ngoái, HLV Nguyễn Hoàng Ngân và ban huấn luyện đã huấn luyện võ sĩ kata nữ giành được 2 HCV (1 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội) còn HLV Lê Tiến Nguyện chứng kiến các học trò giành được 1 HCB cá nhân, 1 HCĐ đồng đội nam. Hiện tại, tất cả rất bận rộn tập trung rèn chuyên môn cho tuyển thủ chuẩn bị dự SEA Games 32 và ai nấy đều quyết tâm cao, truyền đạt hết kinh nghiệm cho võ sĩ tranh tài đạt kết quả tốt nhất.
Trong khi đó, HLV Vũ Anh Tuấn (HLV trưởng đội taekwondo Việt Nam) là võ sĩ thi đấu tại SEA Games 22-2003, HLV Nguyễn Văn Chương (wushu) là thành viên ban huấn luyện đội wushu Việt Nam hay cựu tuyển thủ quốc gia nội dung 400m Dương Thị Hồng Hạnh (từng giành HCV tiếp sức 4x400m nữ, dự SEA Games 32 với vai trò lãnh đội đua thuyền truyền thống) tiếp tục dự SEA Games 32. Qua 20 năm, họ đã và đang có những sự chuẩn bị chuyên môn tốt nhất cho các tuyển thủ quốc gia và cũng không thiếu những kỷ niệm đáng nhớ.