“Gánh nặng” đội tuyển vàng

Cuối cùng thì đội tuyển U22 Việt Nam cũng đã đặt chân lên đất Malaysia, chính thức bước vào chiến dịch chinh phục chiếc HCV lịch sử. 
Xuân Trường – Văn Toàn là một trong số những “cầu thủ vàng” của U22 Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng
Xuân Trường – Văn Toàn là một trong số những “cầu thủ vàng” của U22 Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng
Trong 8 năm qua, kể từ sau trận chung kết SEA Games 2009, thì đây là lần đầu tiên mà niềm tin hiện thực “giấc mơ vàng” lại lớn đến thế.

Đơn giản vì hiện nay, U22 là một “đội tuyển vàng” theo mọi nghĩa. Đầu tiên đó là thế hệ của những Công Phượng, Xuân Trường… được xem là tiêu biểu cho lứa cầu thủ hiện đại nhất của bóng đá Việt Nam. Kế đến, là sự trộn lẫn của 2 thế hệ cầu thủ từng chơi ở 2 kỳ U19 châu Á, từng trải nghiệm ít nhất 1 năm trong màu áo đội tuyển quốc gia, từng góp mặt tại World Cup. Không đội bóng nào ở SEA Games lần này hội đủ mọi yếu tố đẳng cấp như U22 Việt Nam. Nếu xét về lý thuyết thì U22 hiện nay toàn những cầu thủ ở trình độ trẻ châu Á.
Không chỉ vậy, với hơn 1 tháng tập trung bao gồm 10 ngày tập luyện chất lượng tại Hàn Quốc, việc đầu tư cho U22 hiện nay có thể nói là cao nhất so với những đội tuyển khác, nhất là trong bối cảnh các giải vô địch quốc gia đang trong giai đoạn sôi động nhất. Như Malaysia và Thái Lan, dù là ứng cử viên của chức vô địch thì thời gian tập trung cũng còn phụ thuộc vào quyền lợi CLB. Ngược lại tính từ đầu năm đến nay, V-League trải qua 2 đợt nghỉ, các cầu thủ trong đội U22 đã có đến 4 tháng “ăn cơm tuyển” chỉ để tập và tập.  Nói không quá lời, toàn bộ “tinh lực” của nền bóng đá dồn cả vào một đội tuyển U.
Tại SEA Games 2001, nơi lần đầu tiên độ tuổi thi đấu chỉ còn là U23, đội bóng do HLV Dido dẫn dắt đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng, lần đầu tiên kể từ năm 1995. 
SEA Games 29 là lần đầu tiên áp dụng độ tuổi U22. Ngay khi AFF công bố điều này, người ta tin rằng đây là cơ hội vàng cho làng cầu Việt bởi nằm trong độ tuổi của lứa Công Phượng – Xuân Trường vốn được xem là đứng đầu Đông Nam Á so với các đồng nghiệp cùng độ tuổi. Tuy nhiên, có lẽ cũng phải nhắc lại, từ sau SEA Games 1995 đến nay, mục tiêu HCV gần như lần nào cũng được đặt ra, có ít nhất 5 kỳ SEA Games chúng ta tin rằng “không có vàng là thất bại”. Thế nhưng như đã biết, đến nay vẫn chưa hề hoàn thành “giấc mơ vàng”.
Vì sao? Thật khó trả lời. Nhưng có một nguyên nhân rất dễ được nhìn thấy đó là áp lực tâm lý, điểm yếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam. Tức là càng được kỳ vọng, “cơ hội” thất bại lại càng lớn. Chúng ta hay đổ lỗi cho may mắn, trọng tài… nhưng quên rằng đây chỉ là một cuộc tranh tài ở đẳng cấp Đông Nam Á, các đối thủ cũng chẳng hơn gì chúng ta, nên thật khó tin khi cứ liên tục thất bại như vậy dù mật độ vào đá bán kết, chung kết chỉ xếp sau Thái Lan.
Điều kỳ quặc nhất là dù có điểm yếu như vậy nhưng công tác chuẩn bị của chúng ta lại luôn tự gây khó cho mình. Thay vì xem SEA Games như một cuộc thi tạo nền cho tương lai, chúng ta lại tiếp tục dồn hết sức cho “đội tuyển vàng”…

Tin cùng chuyên mục