Cái khó của sự giàu có

Tổng thu nhập hàng năm của các đội Premier League cao hơn Bundesliga suýt soát 2 tỷ bảng Anh. Tức là bóng đá Đức đã rất giàu mà bóng đá Anh còn giàu hơn.
Alexandre Lacazette, tân binh của Arsenal, là một trong những ngôi sao nước ngoài hiếm hoi đến Premier League cho đến lúc này.
Alexandre Lacazette, tân binh của Arsenal, là một trong những ngôi sao nước ngoài hiếm hoi đến Premier League cho đến lúc này.

Tuy nhiên, một bài bình luận trên báo Independent hôm qua nêu rõ: Sự giàu có cũng có cái khó của nó.

1- Khó như thế nào, chỉ cần nhìn vào cuộc chuyển nhượng Douglas Costa hồi tuần qua là đủ để hình dung. Thương thảo rất nhanh gọn: Bayern sẽ cho Juventus mượn, hay nói cho chính xác là thuê Douglas Costa trong 2 năm với giá tương đương 5 triệu bảng. Sau 2 năm ấy, nếu thấy được thì Juve có thể mua luôn với giá 35 triệu. Câu hỏi đặt ra ở đây: Giả sử không phải Juve mà là các CLB Anh hỏi mượn hoặc mua Douglas Costa thì câu chuyện sẽ ra sao?

Câu trả lời: Vì Douglas Costa đang là một trong những chuyên gia chạy cánh nổi bật, có lối chơi cuốn hút nhất hiện nay, giá của anh ta ở thị trường Premier League sẽ không thể là 35 triệu. Theo Independent, mỗi cuộc tuyển mộ “tiêu chuẩn” ở Premier League trong mùa hè hiện nay là vào khoảng 40 triệu bảng Anh. Nếu đưa vào Premier League thì giá Douglas Costa phải cao thế nhiều. Và tất nhiên, chuyện thương thảo cũng sẽ kéo dài lê thê, mất nhiều thời gian chứ không êm thấm như giữa Juve với Bayern.

Đó chính là mặt trái của sự giàu có ở Premier League. Khắp nơi đều biết tổng thu nhập hằng năm của các đội Premier League cao hơn Bundesliga - giải đấu cũng rất giàu có - gần 2 tỷ bảng Anh. Theo đó, khắp nơi đều đã sẵn sàng tiếp đón các đại gia hoặc... thiếu gia Premier League một cách “xứng đáng”: Họ đoán được các đội bóng Anh sẽ xuất hiện vào lúc nào, có nhu cầu mua cầu thủ nào, có khả năng trả bao nhiêu - và họ kiên quyết xắt cho ra miếng.

2- AS Monaco là một thí dụ điển hình. Báo Independent đang ví đội vô địch Pháp như một trong những trung tâm “kinh điển” của thị trường cầu thủ mùa hè, vì lực lượng trẻ trung giàu chất lượng của họ đang bị khắp nơi nhòm ngó. Có điều, dù được dự báo rằng sẽ mất tới 7 cầu thủ giỏi nhưng đến nay Monaco mới chỉ bán duy nhất tiền vệ Bernado Silva cho túi tiền của Man.City - và bán với giá lên tới 61 triệu chứ không hề ít.

Những cầu thủ còn lại - Bakayoko, Fabinho, Sidibe, Mendy, Thomas Lamar và trên hết là thần đồng Mbappe - vẫn còn nguyên đó, ít nhất là tính tới thời điểm hiện nay. Có thể vài ngày nữa tiền vệ Bakayoko sẽ chính thức thuộc về Chelsea. Nhưng để hoàn tất cuộc chuyển giao này thì rõ ràng Chelsea cũng mất nhiều tuần thương thảo qua lại, mất khoảng 40 triệu bảng và đáng nói nữa là sẽ phải mất tiếp nhiều tuần để chờ đợi Bakayoko bình phục hẳn chấn thương. Cái giá 40 triệu cho một tiền vệ không thật lành lặn như vậy là đắt hay rẻ?!

Trong khi đó, Arsenal đã trả giá tới lui mà vẫn chưa chiêu mộ được Thomas Lamar. Hết 30 triệu rồi 40 triệu mà vẫn chưa được duyệt. Tương tự, dù Wenger đã đích thân gọi điện cho Mbappe thuyết phục, Arsenal cũng sẵn sàng trả số tiền chuyển nhượng kỷ lục thế giới nhưng Monaco vẫn giữ chắc tiền đạo này. Có lẽ họ chờ gả Mbappe cho một nơi còn trả cao hơn nữa, một nơi đủ sức đặt ra bàn số tiền lớn đến không tưởng: 130 triệu bảng Anh. Đó là Real Madrid.

Điều này chứng tỏ sự giàu có của Premier League nói chung và những lời tha thiết của Wenger nói riêng vẫn chưa thắng nổi đầu óc khôn ngoan của Monaco.

3- Hiện cảnh nêu trên đang dẫn tới cái gì, thực tế đã nêu rõ. Trong 7 đội đứng đầu Premier League mùa qua, chỉ có Everton hài lòng với mùa tuyển quân hiện thời. Với các CLB hàng đầu còn lại, cái điệp khúc quen thuộc hiện nay là “chưa từng thấy một đợt chuyển nhượng nào như thế này” hoặc “thật ác mộng” khi giao dịch với các đối tác nước ngoài. Thật vậy, có thể Man.United đã nẫng được tay săn bàn Lukaku và Man.City đã sớm mua được tiền vệ tổ chức Bernado Silva nhưng việc tuyển mộ hiện nay nhìn chung vẫn chậm, rất chậm và đương nhiên là chưa đủ cho những đội bóng như thế.

Xin nhắc lại, trước những túi tiền Anh quốc, các đối tác nước ngoài đang ứng phó bằng sự lõi đời và sự kiên quyết không nhượng bộ về giá cả. Và tất nhiên, tình hình này càng kéo dài thì các đội bóng Anh sẽ càng sốt ruột mà thôi. Họ gấp rút hoàn chỉnh lực lượng, thế mà họ chỉ còn vài tuần nữa sẽ bắt đầu mùa giải mới - và cũng chỉ thêm vài tuần kế đó nữa để khoá sổ chuyển nhượng. Theo như thế này thì tới cuối tháng 8 chắc sẽ có rất nhiều cuộc chuyển giao đầy vội vã và bị đội giá một cách... vô tư.

Tin cùng chuyên mục