Vovinam và giấc mơ Olympic

Hiện đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc đủ 5 châu lục, Vovinam là môn võ đứng thứ 5 về số lượng người tập luyện đông nhất trên thế giới, sau quyền Anh, taekwondo, judo và karatedo. Tuy nhiên, để đạt được những thành tựu rực rỡ như 4 môn võ kể trên, đặc biệt là được góp mặt trong chương trình thi đấu của một kỳ Olympic, thật không dễ dàng gì cho Vovinam.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) Mai Hữu Tín, đầu tiên, môn võ truyền thống của Việt Nam phải được chọn thi đấu ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp, đồng thời cần thường xuyên góp mặt ở Asian Games (Á vận hội), rồi mới có thể tính đến chuyện tham dự Olympic (Thế vận hội).

Vovinam lần đầu tiên xuất hiện ở một kỳ SEA Games là vào năm 2011 tại Indonesia, đã tạo được dấu ấn đậm nét vì tính nghệ thuật và vẻ đẹp của môn võ này đối với những người tham gia luyện tập võ thuật ở khu vực Đông Nam Á.

n6d-9371.jpg
Giới trẻ tham gia luyện tập võ Việt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giấc mơ xuất hiện ở Asian Games và thậm chí là tại đấu trường Olympic của Vovinam không phải là chuyện viển vông vì môn võ truyền thống của Việt Nam đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Ông Mai Hữu Tín cũng nhìn nhận rằng, Vovinam cần được đầu tư mạnh mẽ và phải hoạt động theo chuẩn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và phát triển rộng khắp trên toàn cầu.

WVVF đã điều chỉnh điều lệ và quy chế hoạt động của mình theo chuẩn của IOC tại đại hội lần thứ 3 tổ chức ở Việt Nam mới đây để bắt kịp xu thế và tuân thủ các quy định của tổ chức điều hành thể thao lớn nhất thế giới.

Hiện tại, dưới WVVF đã có các Liên đoàn Vovinam châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc. Ở cấp khu vực, Vovinam cũng đã hình thành các Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Nam Á, Đông Á, khối Ả Rập. Đây là những điều kiện cần thiết để IOC nhìn nhận, đánh giá trước khi tính đến chuyện có đưa Vovinam vào chương trình thi đấu thử nghiệm tại Olympic giống như wushu trước đây hay không.

Tin cùng chuyên mục