Cũng như Julius Caesar và người cháu vĩ đại Augustus Caesar đã tạo ra một cuộc cải cách trong hệ thống quý tộc và thể chế chính trị La Mã, Cesare Prandelli thật sự đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Azzurri. Ông đã thổi vào đội bóng vốn nổi tiếng với Catenaccio một khí thế tấn công mới, một cách tiếp cận mới, rũ sạch hoàn toàn hình ảnh rệu rã của Italia trong triều đại thứ 2 của Marcello Lippi, một người từng vô địch thế giới.
Trận chung kết thất bại trước Tây Ban Nha không thể rũ bỏ những ấn tượng tuyệt đẹp mà Italia đã để lại tại Euro 2012 vừa qua. Đó trước hết là sự kiệt sức sau khi Italia bị thiệt hơn một ngày nghỉ lại trót đá quá bốc trước ứng viên sáng giá của giải là Đức. Họ mất Thiago Motta vì chấn thương sau khi đã dùng hết 3 quyền thay người. Sau đó là chút gì đó khinh suất khi Italia từ bỏ sơ đồ 3-5-2 đã khắc chế Tây Ban Nha rất tốt ngoài vòng bảng mà lại chuyển sang 4-4-2 để chơi đôi công.
Đó là một chiến thuật tự sát, bạn có thể nói như vậy. Nhưng cũng đừng quên Euro 2012 mới là giải đấu lớn đầu tiên của Prandelli và trận chung kết cũng là trận đấu lớn nhất trong sự nghiệp của nhà cầm quân này. Điều tuyệt vời là: dù thất bại, Italia cũng đã mở ra những chân trời mới đáng để chờ đợi.
Từ trận đầu tiên với Tây Ban Nha tại Gdansk đến trận đấu cuối cùng ở Kiev cũng với Tây Ban Nha là một sự biến chuyển lớn. Từ cách chơi phòng ngự phản công quen thuộc đến hình ảnh một Italia tiến lên phía trước, bất kể đối thủ là ai thật sự là một cuộc cải cách trong lối chơi.
Tại tứ kết, Italia đã “dạy cho Anh một bài học bóng đá” (cách dùng từ của hãng Reuters) khi nã về phía khung thành của Joe Hart đến hơn 20 pha dứt điểm. Tại bán kết, họ hạ gục Đức chỉ sau hơn 30 phút đầu, đánh tan khí thế của một kẻ đang nhăm nhe ngôi vô địch để lưu dấu ấn một thế hệ vàng.
Italia có gì để vào chung kết? Họ chỉ có một Andrea Pirlo bị đánh giá là đã hết thời, một Gianluigi Buffon còn sót lại ánh hào quang 2006, một hàng phòng ngự không có lấy một ngôi sao, một trái tim tật nguyền (Antonio Cassano) và một gã nổi loạn Mario Balotelli. Nhưng dưới bàn tay Prandelli, tất cả đã kết thành một khối và tạo ra sự ngưỡng mộ. Khi đến cả tổ sư phòng ngự cũng chuyển sang chơi tấn công, rõ ràng các CĐV bóng đá là những người hưởng lợi.
Các trận đấu của Azzurri không còn là những màn tra tấn sức chịu đựng của đối thủ và khán giả nữa mà trở thành một bữa tiệc bóng đá đúng nghĩa. HLV Prandelli từng nói: “Chắc chắn là sẽ phải mạo hiểm một chút, nhưng chúng tôi luôn cố chơi bóng”.
Chỉ có Prandelli mới có thể dùng được Cassano, một người vừa trải qua ca mổ tim và chỉ có thể đá tối đa trong 50 phút, chỉ có Prandelli mới biến Riccardo Montolivo thành một ngôi sao và chỉ có Prandelli mới cầm cương được con ngựa chứng Balotelli, tác giả của 3 bàn tại giải. Càng ngưỡng mộ nhà cầm quân này hơn khi biết Italia đến với giải trong những hoài nghi, với một scandal dàn xếp tỷ số, những ca chấn thương và một loạt những trận giao hữu bê bết.
Trận chung kết Euro đầu tiên kể từ năm 2000 chính là một thành tựu của Prandelli. Thông tin ông ở lại đến World Cup 2014 là một hỷ sự cho các tifosi Azzurri. Ông sẽ không ra đi đột ngột như Julius mà sẽ ở lại để tiếp tục công việc cải tổ Azzurri của mình. Chúng ta sẽ gặp lại ông ở Confeds Cup 2013.
YÊN THANH