Năm 1996, Thái Lan trở thành nhà vô địch Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên sau đó 3 tháng, đội bóng xứ sở chùa vàng thua tan nát tại VCK Asian Cup. Nằm ở bảng B cùng với các đội Iran, Iraq, Saudi Arabia, Thái Lan để thua cả 3 trận: 0-6 trước Saudi Arabia, 1-3 trước Iran và 1-4 trước Iraq và dừng chân ngay từ vòng bảng.
4 năm sau, VCK Asian Cup 2000 vắng mặt nhà ĐKVĐ Đông Nam Á khi đó là Singapore (vô địch năm 1998) do đội bóng này không vượt qua được vòng loại (Tiger Cup 2000 khởi tranh vào tháng 11 tức là một tháng sau khi Asian Cup diễn ra).
VCK Asian Cup kế tiếp tổ chức tại Trung Quốc vào giữa tháng 7/2004. Khi đó Tiger Cup 2004 chưa diễn ra (khởi tranh vào tháng 12) và vì vậy ở thời điểm đó đương kim vô địch Đông Nam Á đang là Thái Lan (vô địch năm 2002). Lần này, kết cục dành cho đội bóng xứ sở chùa vàng cũng không khá hơn khi để thua cả 3 trận ở vòng bảng: 0-3 trước Iran, 1-4 trước Nhật Bản, 0-2 trước Oman.
Đầu năm 2007, Singapore lên ngôi vô địch AFF Cup. Tuy nhiên sau đó đội bóng đảo quốc sư tử không có cơ hội tranh tài ở VCK Asian Cup 2007 do không vượt qua được vòng loại. Ở giải đấu năm đó, trong số 4 quốc gia Đông Nam Á là đồng chủ nhà, Việt Nam là đội duy nhất vượt qua vòng bảng. tiến vào tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch châu Á sau đó là Iraq.
Tương tự như vậy, nhà vô địch AFF Cup 2010 là Malaysia đã không có cơ hội để thể hiện mình ở VCK Asian Cup 2011 do không vượt qua được vòng loại. Đó cũng là giải đấu mà Đông Nam Á không có một đại diện nào giành được quyền góp mặt ở vòng chung kết.
Lần này, chỉ 3 tuần sau khi lên ngôi ở AFF Cup 2018, Việt Nam sẽ bước ra sân chơi lớn hơn Asian Cup với trọng trách trên vai là phải chứng tỏ được mình là nhà đương kim vô địch Đông Nam Á.
Hãy cùng chờ xem liệu thầy trò HLV Park Hang Seo có thể viết lại được lịch sử và phá được cái dớp này hay không?
Góc thống kê
1 Đây mới chỉ là lần đầu tiên trong lịch sử, ĐT Việt Nam góp mặt ở VCK Asian Cup. Lần trước năm 2007, ĐT Việt Nam tham dự giải đấu với tư cách là 1 trong 4 đội đồng chủ nhà.