Cụ thể trong năm 2020, đội tuyển U21 Việt Nam được thành lập và dự kiến có 5 đợt tập trung. Những được tập trung theo “thời vụ” này sẽ được duy trì sang năm 2021 để hướng đến 2 đấu trường quan trọng là vòng loại Giải U23 châu Á 2022 và SEA Games 2021.
Mục đích của những đợt tập trung nhằm giúp ban huấn luyện tìm kiếm các nhân tố triển vọng, đồng thời tìm ra phương án để xây dựng lối chơi chung, duy trì tính ổn định cho toàn đội thông qua các buổi rèn kỹ, chiến thuật và những trận giao hữu. Điều này từng được HLV Park Hang-seo áp dụng cho đội tuyển U22 nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2019 và thu được thành quả bằng tấm HCV lịch sử.
Đặc biệt hơn từ ngày 1 đến 14-6, đội tuyển U21 còn được VFF cử sang Pháp tham dự Giải bóng đá Quốc tế Toulon 2020. Đây là năm đầu tiên, Việt Nam có đội tuyển tham gia một trong những giải đấu trẻ giàu truyền thống của thế giới.
Với tuổi đời 48 năm, Toulon là giải đấu thường niên quy tụ nhiều đội tuyển U21 mạnh ở các châu lục về tranh tài như Anh, Bồ Đào Nha, Brazil, Colombia, Argentina, ... và chủ nhà Pháp.
So với các lứa tuổi nhỏ hơn, thế hệ cầu thủ sinh năm 2000-2001 không được thi đấu những giải trẻ trực thuộc hệ thống Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Đông Nam Á (AFF) trong năm 2020. Nếu không được triệu tập lên đội tuyển Quốc gia thì các cầu thủ U21 sẽ “trống lịch” sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở cấp CLB.
Vậy nên việc tham dự giải Toulon là cơ hội quý báu để các tuyển thủ U21 được tích lũy thêm kinh nghiệm, bên cạnh có sự chuẩn bị căng cơ nhất nhằm hướng đến những sân chơi quan trọng trong năm sau.
HLV Park Hang-seo đã nhắm đến một vài nhân tố ở tuổi 20,21 nhằm “quy hoạch” cho đội tuyển U22/23 trong tươi lai. Nổi bật trong số đó là 3 cầu thủ từng tham dự VCK Giải U23 châu Á 2020 là Y Êli Niê, Nguyễn Hữu Thắng và Nhâm Mạnh Dũng, bên cạnh tiền đạo Trần Danh Trung.