Chia sẻ về điều này, chủ công Hoàng Thị Kiều Trinh bày tỏ “đúng là có việc đại diện đội bóng Nakhon Ratchasima gặp mặt với ban huấn luyện đội bóng chuyền nữ Việt Nam khi chúng tôi thi đấu ASEAN Grand Prix 2022 vừa qua ở đây để nói chuyện sự quan tâm muốn mời tôi tới khoác áo thi đấu ở giải vô địch Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cáo cấp lãnh đạo cụ thể nhất và sẽ theo quyết định của các cấp lãnh đạo”. Ngoài Hoàng Thị Kiều Trinh, tuyển thủ Phạm Thị Nguyệt Anh là người cũng được đội Nakhon Ratchasima quan tâm mời tới Thái Lan thi đấu.
Đúng như Kiều Trinh chia sẻ, mọi thủ tục và quyết định sẽ được xem xét khi cầu thủ và HLV báo cáo cụ thể với cấp quản lý rồi mới ngã ngũ xem việc được tới Thái Lan thi đấu có được sự đồng ý hay không. Nguyệt Anh và Kiều Trinh đang là cầu thủ thuộc đội Bộ tư lệnh Thông tin quản lý.
Dẫu vậy, điều này là tín hiệu mừng cho cá nhân 2 tuyển thủ cũng như bóng chuyền nữ Việt Nam nói chung. Chúng ta không thiếu cầu thủ có khả năng chuyên môn tốt nên các đội bóng của khu vực muốn tuyển mộ, mời họ ra nước ngoài thi đấu là điều dễ hiểu. Thực tế, không phải tất cả ngẫu nhiên tự tới. Chính việc liên tiếp dự 2 giải quốc tế liền nhau (cúp bóng chuyền nữ châu Á 2022 tại Philippines, ASEAN Grand Prix 2022 tại Thái Lan) là sự thuận lợi để tự chuyên môn của Kiều Trinh, Nguyệt Anh được các nhà tuyển trạch đội Nakhon Ratchasima đánh giá rồi đặt vấn đề thuê, mượn. Nếu cầu thủ không có cơ hội thi đấu quốc tế, mãi chỉ dự các giải trong nước, họ gần như bị mất đi việc có thể được những đội bóng bên ngoài Việt Nam biết tới và như thế gần như không ra được nước ngoài phát triển hơn chuyên môn.
HLV trưởng đội bóng chuyền nữ Việt Nam – ông Nguyễn Tuấn Kiệt từng bày tỏ “đội bóng chuyền nữ Việt Nam cần thêm nhiều cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Cầu thủ của chúng ta ra nước ngoài đấu nhiều, qua từng giải sẽ trưởng thành hơn và chắc chắn nhiều đối thủ biết hơn chứ chỉ ở trong nước thì rất khó được các đội bóng quốc tế biết tới”.
Nói về thời gian trước, bóng chuyền nữ và nam Việt Nam đã có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Với thị trường bóng chuyền Thái Lan, người để lại thành công nhất chính là cầu thủ, HLV Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Môi trường thi đấu bóng chuyền tại Thái Lan là phù hợp và vừa sức với cầu thủ Việt Nam khi kết hợp được 2 yếu tố: tăng cường chuyên môn, gia tăng thu nhập. Trong nhiều lần phân tích, ông Nguyễn Bá Nghị (Phó chủ nhiệm nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM) là ủy viên ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam khóa 7 bày tỏ “Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cần nên có mặt trong những chương trình họp của bóng chuyền quốc tế để từ đó tăng cường được mối quan hệ bên ngoài. Điều này rất tốt đối với chuyên môn và thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm để hội nhập quốc tế hiệu quả”.
Trong một năm, cầu thủ nữ nói riêng chỉ có cơ hội thi đấu quốc tế nếu họ là tuyển thủ đội tuyển và đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu ở nước ngoài. Còn lại, nếu cầu thủ đó thuộc đội vô địch quốc gia thì có thêm cơ hội dự giải vô địch các CLB nữ châu Á. Gia tăng thêm cơ hội giúp cầu thủ được thi đấu quốc tế, từ đó các tay đập Việt Nam được bên ngoài biết thêm và tìm tới thuê về khoác áo là xu thế hợp thời.
Đổi ngược lại với trường hợp của Kiều Trinh, Nguyệt Anh, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam từng rất chờ đợi chủ công Nguyễn Thị Bích Tuyền khoác áo để dự cúp bóng chuyền nữ châu Á 2022, ASEAN Grand Prix 2022. Tiếc rằng tay đập này đã vắng mặt và tự Tuyền không có cơ hội thể hiện tại giải đấu quốc tế để được nhiều đội bóng biết tới và triển vọng ra nước ngoài chơi bóng nâng cao chuyên môn.