Trong trận tứ kết đơn nam muộn nhất giữa “King” Carlos và tay vợt 21 tuổi người Italy Jannik Sinner (trận đấu dài đến 5 tiếng 15 phút đồng hồ, kết thúc lúc 14 giờ 50 hôm nay, thứ Năm 8-9, giờ Việt Nam), “Truyền nhân của Rafael Nadal và quần vợt Tây Ban Nha” xuất sắc giành chiến thắng với điểm số kịch tính 6-3, 6-7 (7-9), 6-7 (0-7), 7-5, 6-3…
Kết quả này chính là thành tích tốt nhất ở đấu trường Grand Slam của “King” Carlos. Trước đó, chàng trai trẻ rất được “Chiến thần” Nadal kỳ vọng từng lọt đến tứ kết French Open và vòng 4 Wimbledon, nhưng đều phải dừng bước trước các đối thủ kinh nghiệm hơn, tạm thời tan mộng giành danh hiệu Grand Slam đầu tay như các CĐV mơ mộng!
Nhưng ở Flushing Meadows, mọi thứ sẽ khác? “King” Carlos sẽ đột phá “bức tường áp lực”, trở thành tay vợt thuộc lứa Next Gen thứ 2, sau Daniil Medvedev, giành ngôi vô địch Grand Slam đầu tay? Màn trình diễn ấn tượng, với những pha bóng cực kỳ ngoạn mục (có tình huống Alcaraz luồn tay phải ra phía sau lưng để đánh bóng sang bên kia lưới thành công khiến cho giới mộ điệu trầm trồ), niềm tin bất diệt và sự tươi tắn tuổi 19 là những ưu thế đáng kể của Alcaraz khi anh vào vòng “tứ hùng” của US Open 2022…
“Thành thật, tôi cũng chẳng biết tôi giành chiến thắng thế nào”, Alcaraz cho biết sau khi có chiến thắng giúp anh lần đầu giành vé tham dự ATP Finals, Giải đấu tổng kết cuối mùa, “Nhưng bạn phải tin tưởng vào bản thân mình. Tôi tuyệt đối tin tưởng vào lối chơi của tôi. Thật sự khó khăn để bước ra khỏi trận đấu với chiến thắng. Tôi đã cố gắng duy trì sự bình tĩnh và tỉnh táo, nhưng trận đấu này quả là một thời khắc vô cùng khó khăn!”.
Alcaraz, tay vợt trẻ nhất lịch sử lọt đến BK Grand Slam kể từ thời Nadal (Roland Garros 2005), cũng là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử lọt đến BK US Open, từ thời Pete Sampras (năm 1990) chia sẻ: “Tôi sẽ thưởng thức thành tích lọt đến bán kết Grand Slam lần đầu tiên của mình ngay lập tức, rồi ngày mai mới là thời điểm nghĩ về trận đấu với Tiafoe”. Tiafoe là ai? Chính là “Niềm hy vọng số 1 của nước Mỹ”. Sau khi loại Nadal, “khiến cho cuộc chơi công bằng hơn, mở rộng và trải dài hơn” với những tay vợt còn lại, anh tiếp tục thắng Andrey Rublev (Nga) với chiến thắng sau 3 ván đấu có điểm số sát sao…
Cũng như Alcaraz, Tiafoe có định mệnh và con đường riêng. Sau khi khiến cho Rublev phải khóc nức nở ngay trên sân đấu, anh trở thành tay vợt nam chủ nhà đầu tiên lọt đến BK tại Flushing Meadows kể từ 2006 (thời điểm Andy Roddick lọt đến BK, sau đó tiếp tục phiêu lưu đến chung kết trước khi gác vợt trước Roger Federer với điểm số 2-6, 6-4, 5-7 và 1-6). Khi mà ở Giải đơn nữ, Jessica Pegula đã bị loại, Tiafoe sẽ trở thành “Niềm hy vọng cuối cùng của quần vợt nước chủ nhà” - tại kỳ giải US Open năm nay!
Trong trận BK còn lại, Khachanov và Ruud cũng là những người phải thể hiện trách nhiệm lịch sử không chỉ với bản thân, mà còn với nền quần vợt nước nhà và cả tình hình chính trị - xã hội nói chung. Khachanov muốn trở thành tay vợt người Nga thứ 2 liên tiếp đăng quang ở Grand Slam trên đất Mỹ, sau Medvedev. Chiến thắng của anh ở New York năm nay sẽ có hỗ trợ rất lớn cho nước Nga vốn đang bị cô lập vì chiến tranh ở Ukraine. Trong khi đó, Ruud muốn trở thành “Kẻ viết lịch sử kiểu khác” cho quần vợt Na Uy. Anh không chỉ muốn trở thành người Na Uy đầu tiên lọt đến một trận chung kết Grand Slam rồi thôi - mà hơn thế nữa…