Sự kình địch giữa Djokovic và Alcaraz là cần thiết với quần vợt
Roger Federer đã giải nghệ, Rafael Nadal không còn bao nhiêu thời gian. Vài năm trở lại đây, giới mộ điệu khó có dịp chứng kiến “những trận đại chiến giữa những đại kình địch đã chung sống cùng một kỷ nguyên vĩ đại”.
Sự trỗi dậy của Alcaraz, và cả sự bền bỉ - tồn tại trường tồn theo thời gian của Djokovic, đã mang đến một mối quan hệ “kình địch - cạnh tranh” đầy mới mẻ mà sự cân sức cân tài đó là rất cần thiết cho ATP Tour vào lúc này.
Đến thời điểm này, Djokovic đã “va chạm mạnh” với Alcaraz những 4 lần, họ tạm thời hòa nhau 2-2. Nếu chỉ tính riêng ở đấu trường Grand Slam, tỷ số đó là 1-1, và nếu chỉ tính ở các trận chung kết lớn - đình đám thế giới, tỷ số đó cũng đang là 1-1.
Djokovic gần đây có chia sẻ để miêu tả sự cạnh tranh gắt gao giữa 2 người thuộc Thế lực cũ và Thế hệ mới: “Tất cả các cuộc đối đầu giữa 2 chúng tôi đều chỉ có những khoảng cách nhất định”.
“Trận đấu đầu tiên ở Madrid hồi năm ngoái, kết quả ở ván đấu thứ 3 là 7-6 (Madrid Masters 2022, Alcaraz thắng chung cuộc). Còn kết quả ở trận đấu thứ 3 quyết định của ngày hôm nay cũng là 7-6 (Djokovic thắng loạt tie-break ván quyết định)".
"Trước đó, 2 trận đấu thuộc giải Grand Slam khi chúng tôi đối đầu nhau đều diễn ra sau 4 và 5 ván đấu”, Djokovic giải thích ngay sau khi giành chiến thắng “báo thù” ở Cincinnati Masters hồi tuần trước.
Chính Djokovic cũng thừa nhận ngay sau trận thắng chật vật trước Alcaraz tại Cincinnati, rằng đây là một trong những trận đấu “khó khăn nhất đời anh”, kể từ khi anh đối đầu với “đại kình địch” Nadal...
“Tôi không nghĩ, tôi đã chơi quá nhiều trận như vậy trong đời. Có lẽ, tôi có thể so sánh nó với trận chung kết Australian Open 2012, chống lại Nadal. Cảm giác tôi có được trên sân đấu nhắc nhở tôi đôi chút đến khi tôi đấu Nadal thời đỉnh cao của cả 2”.
“Khi đó, mỗi một điểm số là sự vội vã và hối hả. Mỗi một điểm số là một trận chiến thật sự. Về cơ bản, bạn phải cày ải để kiếm từng điểm số một, từng cú đánh một, bất kể là ở trong điều kiện thi đấu như thế nào".
"Thật tuyệt vời khi được trải nghiệm điều này cùng cậu ấy trên cùng một sân đấu”, Djokovic nói lời thán phục khi Alcaraz dù thua trận, vẫn khiến anh phải đẩy bản thân đến cực hạn tối thượng.
Không phải tự nhiên mà cây bút Tolga Akdeniz, khi viết về mối quan hệ kình địch và cạnh tranh giữa Djokovic và Alcaraz là rất cần cho quần vợt hiện nay, miêu tả đó chính là ADN của quần vợt hiện tại và tương lai, dù đó là tương lai rất gần, khi mà chính bản thân của Djokovic cũng không còn nhiều thời gian để chơi bóng quần vợt đỉnh cao nữa.
Nhưng viễn cảnh họ sẽ đấu nhau lần thứ 3 liên tiếp ở “chung kết trong mơ” tại thành phố “Quả táo lớn”, sẽ là một kịch bản đẹp và hấp dẫn mang hơi hướm của điện ảnh Hollywood.
Nhánh thăm của Alcaraz: Mở màn với Dominik Koepfer
Alcaraz khởi đầu cho nhiệm vụ bảo vệ ngôi vô địch US Open 2023 bằng trận đấu với đối thủ người Đức - Dominik Koepfer (hạng 78 ATP). Đối thủ 29 tuổi quê ở Furtwagen có phong độ không tồi gần đây.
Từ sau mùa giải sân cỏ, anh đã chơi 10 trận sân cứng ở Tour đấu mùa Hè Bắc Mỹ, sở hữu thành tích thắng 7 trận, và để thua 3 trận, trong đó có cả các chiến thắng đáng chú ý trước John Isner và Daniel Evans ở Atalanta. Anh và Alcaraz chưa từng đấu.
Đối thủ tiềm tàng của Alcaraz
_Vòng 1: Dominik Koepfer (Đối đầu trực tiếp 0-0)
_Vòng 2: Lloyd Harris (0-0)/Guido Pella (0-0)
_Vòng 3: Daniel Evans (2-0)
_Vòng 4: Cameron Norrie (4-2)
_Vòng tứ kết: Jannik Sinner (3-3)/Alexander Zverev (2-3)
_Trận bán kết: Daniil Medvedev (2-1)/Andrey Rublev (0-0)
Đường đi của Djokovic: Khởi động với Alexandre Muller
Về phần mình, Djokovic sẽ mở màn nhiệm vụ săn tìm danh hiệu Grand Slam thứ 24 bằng trận đấu với Alexandre Muller (Pháp, hạng 85 ATP). Tay vợt 26 tuổi quê ở Poissy đã để thua 6 trận liên tiếp trên mọi loại mặt sân thời gian vừa qua (cả sân cỏ, sân đất nện lẫn sân cứng).
Ở Tour đấu trên mặt sân cứng mùa hè Bắc Mỹ, anh này liên tiếp thua trận ở vòng loại Cincinnati Masters và cả ở vòng 1 Winson-Salem. Muller không phải đối thủ xứng tầm của Djokovic.
Đối thủ tiềm năng của Djokovic
_Vòng 1: Alexandre Muller (0-0)
_Vòng 2: Bernabe Zapata Miralles (0-0)/Ethan Quinn (0-0)
_Vòng 3: Laslo Djere (1-0)/Brandon Nakashima (0-0)
_Vòng 4: Felix Auger-Aliassime (1-1)
_Vòng tứ kết: Taylor Fritz (7-0)/Stefanos Tsitsipas (11-2)
_Trận bán kết: Holger Rune (1-2)/Casper Ruud (5-0)
Trận chung kết trong mơ
Nếu (vì đương nhiên, không ai dám bảo đảm không có “tai nạn” xảy ra ở đây, rằng Djokovic và cả Alcaraz sẽ không để thua bất kỳ tay vợt nào và thẳng tiến chung kết) “trận chung kết trong mơ” diễn ra một lần nữa, có thể đó là điều bất công với tất cả mọi tay vợt khác...
...Nhưng lại là “chiến thắng” của giới mộ điệu, của đám đông khán giả tại Trung tâm Quần vợt Quốc gia USTA Billie Jean King nằm trong Khu vực Flushing Meadows của thành phố “Quả táo lớn”.
Điều đó sẽ phản ánh xu thế mới của ATP Tour thời điểm hiện nay: “Trận tự 2 cực Djokovic và Alcaraz”, và điều đó là tốt cho quần vợt hiện tại, khi người ta hiếm khi được trông thấy các trận thư hùng mãn nhãn mà người thắng hay thua đều xứng đáng là một anh hùng.
Hãy cùng chờ xem, liệu “trận chung kết trong mơ” có xảy ra lần thứ 3 liên tiếp trong mùa giải năm nay, hay là không?