Chỉ thắng 5/18 trận đấu từ tháng 9-2016
Đội bóng có biệt danh Sbornaya chỉ thắng 5/18 trận đấu dưới thời của HLV từng là thủ thành của đội tuyển Liên Xô cũ. Đó là các trận thắng 1-0 trước Ghana hôm 6-9-2016 (Fyodor Smolov ghi bàn thắng duy nhất); thắng Rumani 1-0 hôm 15-11-2016 (Magomed Ozdoev ghi bàn thắng duy nhất); thắng Hungary 3-0 hôm 6-6-2017 (Smolov ghi được 1 bàn, Dmitri Poloz ghi 1 bàn cho tuyển Nga, bàn còn lại do Marton Eppel đá phản lưới nhà); thắng… Dynamo Moskva 3-0 hôm 3-9-2017 (Anton Miranchuk ghi 1 bàn, Anton Zabolotnyi ghi 1 bàn và Mario Fernandes ghi 1 bàn); và thắng Hàn Quốc 4-2 hôm 7-10-2017 (Smolov lại đóng góp 1 bàn thắng, Aleksei Miranchuk cũng ghi 1 bàn thắng, 2 bàn còn lại do Kim Joo Yong đá phản lưới nhà).
Trong khi đó, nếu tính riêng trong năm 2018, họ đã phải trải qua 3 tận toàn thua – thua tuyển Brazil 0-3 và thua tuyển Pháp 1-3; trước khi thua tuyển Áo với một thế trận cực kỳ tệ hại, đó là không thực hiện nổi bất kỳ cú dứt điểm nào về phía khung thành của đối phương. Tuyển Áo của tiền đạo Marko Arnautovic đã thắng nhờ bàn thắng duy nhất của Alessandro Schopf và người kiến tạo cho anh này không ai khác hơn là Arnautovic, người mà HLV Jose Mourinho không quản ngại xa xôi bay sang sân Tivoli Stadion Tirol để “xem giò xem cẳng” với hy vọng sẽ đưa anh này về sân Old Trafford mùa sau (nhưng báo chí Nga lại “nổ” rằng, Mourinho đến để xem “giò cẳng” của Aleksandr Golovin của tuyển Nga thì đúng hơn???).
Kể từ khi trở thành một đội tuyển độc lập thời hậu Liên Xô cũ, dù không gặt hái được quá nhiều thành công ở đấu trường quốc tế, Sbornaya vẫn luôn có được sự hiện diện của 1, 2 hoặc thậm chí 3 ngôi sao thật đặc biệt – những người được cho là đạt tầm vóc “đẳng cấp thế giới” – ở các giải đấu lớn là Euro và World Cup.
Ở World Cup 1994, đó chính là Sergei Yuran “điệu đàng”, Ilya Tsymbalar “có một đôi chân khéo léo đầy ma thuật” và Valeri Karpin “kiên gan”. Ở Euro 1996 là Tsymbalar, là Andrei Kanchelskis (thủa đó vẫn còn đang là cầu thủ chạy cánh phải lừng danh ở CLB Manchester United, vị trí mà sau này lần lượt những… Karel Poborsky, David Beckham, và rồi Cristiano Ronaldo mới “tiếp quản”, trở thành “đặc sản” tấn công biên của MU).
Ở World Cup 2002, đó là Yegor Titov (bắt đầu nổi lên như cồn với chiến tích đưa CLB Spartak Moskva lọt đến bán kết UEFA Cup – tiền thân của Europa League hiện nay – trong mùa giải 1997-1998, chỉ chịu dừng bước trước Inter Milan của Ivan Zamorano, của Ronaldo “người ngoài hành tinh”; trong đó, ở trận lượt đi, Titov thậm chí còn chơi lấn lướt cả tuyển thủ người Brazil.
Ở Euro 2004, đó chính là Dmitri Alenichev (từng là 1 trong những “học trò cưng” của Jose Mourinho khi vị HLV người Bồ Đào Nha này đến tiếp quản FC Porto, người ghi bàn cho Porto trong cả 2 trận chung kết UEFA Cup 2003 và chung kết Chanmpions League 2004).
Ở Euro 2008, đó chính là Andrei Arshavin (mới cùng Zenit St.Petersburg đăng quang UEFA Cup 2007-2008; sau này trở thành một trụ cột không thể thiếu ở Arsenal, từng ghi 4 bàn thắng vào lưới Liverpool trong trận Arsenal hòa Liverpool “đầy hoang dại” với tỷ số 4-4 vào ngày 21-4-2009) và cả Roman Pvlyuchenko.
Ở Euro 2012, đó là Arshavin, Alan Dzagoev. Ở World Cup 2014, đó chính là Aleksandr Kerzhakov (từng cùng Sevilla thắng “cú ăn 3” trong năm 2007). Còn ở World Cup 2016, cũng có thể “miễn cưỡng” nói đến cái tên Fyodor Smolov chẳng hạn…
Nhưng ở World Cup kỳ này? Smolov ư? Anh này đã qua rồi thời đỉnh cao, đã 28 tuổi, nhưng vẫn phải gánh vác trọng trách ghi bàn cho tuyển Nga trong bối cảnh các tiền đạo khác chơi rất kém cỏi. Golovin ư? Một cầu thủ “dạng tiềm năng” từ 3, 4 năm nay nhưng đến giờ vẫn “chưa thật sự trưởng thành”.
Ở tuổi 22, Golovin vẫn chỉ được nhớ đến bằng… số áo ở sau lưng, chứ không phải bằng tên tuổi thật sự (HLV trưởng Brazil, ông Tite từng nhận định rằng: “Các bạn có cầu thủ số 17 chơi rất hay”, sau khi Brazil của ông đánh bại tuyển Nga trong trận đấu giao hữu hôm 22-3, nhưng khi người ta cắc cớ hỏi ông liệu có biết tên cụ thể của Golovin hay không thì ông… “ứ hự”).
Golovin – cầu thủ đang khoác áo CSKA Moskva – nhiều lần được báo giới Nga đồn thổi là “đích nhắm” của một số đội bóng lớn tại Bundesliga, hay thậm chí cả Arsenal thời còn Arsene Wenger cũng từng thể hiện sự thích thú với anh này.
CSKA, trong cuộc phiêu lưu ở Europa League năm nay, có cơ hội đụng độ Arsenal, và trong buổi họp báo trước trận lượt đi, có không ít phóng viên Nga “tự huyễn” liên tục “dí” Wenger những câu hỏi về… Golovin khiến Giáo sư người Pháp phát cáu và phải nói thẳng, đây là buổi họp báo nói về trận đấu chứ không phải về tình hình chuyển nhượng. Đến giờ, khi Wenger đã ra đi, ông vẫn chưa một lần nói về sự hứng thú dành cho Golovin. Anh chỉ là “sao” quanh quẩn trong giải RFPL, chưa đủ tầm là sao của thế giới. Thế nên, Sbornaya ở World Cup tại quê nhà, sẽ chẳng sở hữu ngôi sao thật sự nào.
Nhược điểm hiển hiện khắp nơi
Trên hàng phòng ngự, đó là sự già cỗi. Một Igor Akinfeev, dù vẫn chưa thể xem là quá lớn tuổi (năm nay mới 32 tuổi), nhưng thường xuyên mắc phải sai lầm và là một thủ môn nổi danh với thành tích “vào lưới nhặt bóng” tại Champions League, vẫn đảm nhận vị trí trấn giữ khung thành.
Trong khi đó, một cầu thủ “già chát” như Sergei Inashevich vẫn phải làm trụ cột của hàng hậu vệ và mới vừa phá kỷ lục của thủ môn huyền thoại Lev Yashin khi trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất chơi bóng cho đội tuyển ở độ tuổi 38 tuổi 320 ngày (Yashin giữ kỷ lục 37 tuổi 267 ngày) cũng đã nói lên rất nhiều vấn đề.
Còn ở trên hàng tấn công, Smolov lẫn Artem Dzyuba và Aleksandr Kokorin… hiếm khi phối hợp được với nhau, thường “mạnh ai nấy chơi”, khiến những pha tấn công uy hiếp khung thành đối phương của Sbornaya trở nên đơn điệu, dễ đoán.
Đây chính là tập thể tuyển Nga yếu nhất, “tầm thường” nhất kể từ năm 1994 cho đến giờ, dù họ lại có được những lợi thế khác mà các “bậc tiền bối, đàn anh” không có được, đó là ưu thế sân nhà, khán giả nhà, điều kiện sân bãi – thời tiết, sự chuẩn bị và cả… những yếu tố mà người ta râm ran bên hành lang, đó là về “chính trị”.
Đi hết 1 vòng tròn
Vào ngày 5-5 tới đây, tuyển Nga sẽ đấu với đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên sân nhà VTB Arena (thuộc thành phố Moskva, có sức chứa hơn 26 ngàn người). Đây là trận giao hữu – chuẩn bị cuối cùng của thầy trò HLV Cherchesov trước khi bước vào chiến dịch World Cup, với trận đấu mở màn đụng độ Saudi Arabia.
Có thể nói rằng, tuyển Nga thời Cherchesov đã “đi hết 1 vòng tròn” – họ đã bắt đầu “nhiệm kỳ” của Cherchesov cũng bằng 1 trận đấu giao hữu với tuyển Thổ Nhĩ Kỳ, trận hòa không bàn thắng diễn ra hôm 1-9-2016. Nhưng ở thời điểm đó, trận đấu mang dấu ấn về mặt chính trị hơn là chuyên môn, khi tuyển Nga mới chỉ được tập trung dưới thời Cherchesov lần đầu, còn Thổ Nhĩ Kỳ muốn “dàn hòa” vụ tiêm kích F-16 của họ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga ở biên giới Syria – Thổ Nhỹ Kỳ.
Giờ đây, trận đấu thứ 2 hẳn sẽ mang tính chuyên môn nhiều hơn, dù rằng theo cây bút Yevgeny Lovchev của Soviet Sport, rất khó để sửa chữa những chuẩn bị về mặt chiến lược suốt thời gian qua, đây chỉ là một trận đấu chiến thuật đơn thuần, nơi tuyển Nga phải thắng để giành lại niềm tin nơi người hâm mộ. Vì chắc chắn, chẳng ai muốn tuyển Nga đến với World Cup tại quê nhà mà không có nổi chiến thắng nào.
Nhưng biết đâu đấy, khi đi hết 1 vòng tròn, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến… Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩa là “một chu kỳ kém thành công” đã khép lại, thì “một chu kỳ tươi tắn, hứa hẹn đầy thành công” sẽ lại mở ra thì sao?