Năm 2015, Marcello Lippi tuyên bố chia tay nghiệp cầm quân cấp CLB sau chức vô địch quốc gia Trung Quốc lần thứ 3 liên tiếp và 1 Cúp bạc AFC Champions League cùng Quảng Châu Evergrande. 3 năm trước đó, ông đến mảnh đất châu Á trong bất ngờ và khi bóng đá nơi đây vẫn chưa tạo ra nhiều phấn khích cho người hâm mộ. Song đến khi gác kiếm, Lippi không chỉ có được những danh hiệu, lòng trung thành của các cầu thủ, sự ghi nhận của truyền thông mà còn mất hút trong vòng tay yêu thương của khán giả Trung Quốc.
Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của Lippi. Ông linh hoạt trong chiến thuật: Bỏ qua hàng tiền vệ và chơi với 4 tiền đạo trong hiệp phụ trận bán kết với chủ nhà Đức ở World Cup 2006. 4 ngày sau đó, trong bối cảnh toàn bộ đội hình đã rệu rã về thể lực, để duy trì lợi thế, ông đẩy regista Andrea Pirlo lên phía trước và kéo tiền đạo Vincenzo Iaquinta lúc đó mới vào sân về giữa để trám chỗ, nhằm bảo vệ hàng thủ và tước đi quyền chủ động của người Pháp trong trận chung kết.
Ông thực dụng và đề cao truyền thống phòng thủ của người Ý: “Một quốc gia không nên xấu hổ bởi gốc rễ của nó. Bạn cố gắng để không thua, đó là đặc trưng và cá tính của bạn.”
Những chiến thắng của Lippi còn được xây dựng trên sức lao động, sự chăm chỉ, trách nhiệm và tính liên tục. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động so với lời nói: "Bạn có thể giải thích về chiến thuật cả ngày trên một tấm bảng đen, nhưng phải thuyết phục các cầu thủ rằng chúng có thể hoạt động hiệu quả trên sân. Sự tự tin xuất phát từ điều đó”.
Nhưng trên tất cả, Lippi có một “vũ khí bí mật” - thứ giúp ông làm nên những điều kỳ diệu, gắn kết các cầu thủ trung bình thành đội bóng mạnh, dẫn dắt họ đến chiến thắng và gặt hái những thành công - đó là sức mạnh tinh thần.
“Marcello Lippi là một HLV rất ấn tượng. Khi nhìn vào mắt anh ta bạn biết mình đang đối mặt với một chỉ huy. Đôi mắt ấy đôi khi cháy rực nghiêm trọng, đôi khi sáng lấp lánh, đôi khi như đang thận trọng đánh giá bạn. Chúng luôn bừng sáng một vẻ thông tuệ lạ thường. Không gì có thể lọt qua được mắt của Lippi, kể cả những sai lầm nhỏ nhất”, Sir Alex Ferguson đã viết về ông như vậy trong quyển tự truyện Managing my life.
Với Marcello Lippi, phương án chiến thuật chỉ là chi tiết trong bộ máy. Theo ông, việc khai thác tiềm năng của mỗi cầu thủ và sức mạnh gắn kết của toàn đội mới là chìa khóa để giành chiến thắng. Ở phương diện này, có thể nói Lippi là một nhà tư tưởng. Ông luôn nhìn nhận bóng đá là trò chơi của con người và bởi con người: “Bạn phải quản lý màn trình diễn của từng cá nhân, vì đó là nền tảng để phát triển đội ngũ.”
Mỗi cầu thủ trong đội hình của Lippi đều phải cảm thấy mình quan trọng và là một phần của đội. Với các cầu thủ lớn như Roberto Baggio hay Alessandro Del Piero, ông buộc họ phải hòa mình vào tập thể: “Để có được một đội bóng mạnh, đôi khi bạn phải chấp nhận bỏ đi một cầu thủ tài năng nhưng không hòa đồng với đội bóng. Một cầu thủ giỏi rất quan trọng với tập thể, nhưng không thể quan trọng hơn tập thể”.
Lippi đưa ra luận điểm: “Ở những cầu thủ lớn, kỹ năng xuất sắc nhất của họ là có thể dùng khả năng của mình để phục vụ đồng đội. Khi cái tôi của một cầu thủ trở nên quá lớn, anh ấy không còn chỗ đứng trong đội bóng của tôi”.
Chuyện về HLV huyền thoại Marcello Lippi chỉ đơn giản như thế. Là câu chuyện bóng đá đi về chính bản ngã của nó, nơi tinh thần đồng đội lên ngôi và nhiều tí hon David có thể chống nổi trời bằng lòng đoàn kết. Chuyện về một Juventus luôn sẵn sàng ra sân đá trận cuối cùng trong đời và một đội tuyển Italia trong nỗi đau đã cùng nhau bước lên ngôi cao thế giới như những người lính quả cảm.
Cám ơn ông, Marcello Lippi!