Trên thực tế, phải nói là một bước lùi. Ngày 4-10-2009, tiền đạo Lê Công Vinh từng ra sân chính thức tại giải vô địch Bồ Đào Nha, vài ngày sau, anh có mặt ở trận đấu tại Cúp quốc gia và ghi bàn thắng. Trong khi đó, tháng 9-2019, hậu vệ trẻ Đoàn Văn Hậu đến Hà Lan, cho đến thời điểm về nước, Hậu chỉ có 4 phút xuất hiện trong đội hình chính của Heerenveen ở cúp quốc gia. Đấy là khoảng thời gian duy nhất mà Văn Hậu được chơi bóng ở đội hình chính trong gần một năm sang châu Âu. Trước Hậu, tiền đạo Công Phượng cũng chưa có phút nào thi đấu ở Bỉ, đành về nước chơi cho TPHCM.
Khi Lê Công Vinh sang Bồ Đào Nha, đấy chỉ là một bản hợp đồng ngắn hạn 4 tháng. Vị trí của Vinh rất khó cạnh tranh với các cầu thủ bản xứ, vậy nhưng tiền đạo này vẫn tạo được dấu ấn. Cho đến nay, đó vẫn là những gì tốt nhất mà một cầu thủ Việt Nam làm được khi xuất ngoại. Ngược lại, hợp đồng của Văn Hậu sang Hà Lan dù là cho mượn nhưng đấy là thỏa thuận thương mại chính thức. Nếu Hà Nội khi đưa Công Vinh sang Bồ Đào Nha phải tự trả lương, thì với Văn Hậu, đội bóng Hà Lan mới là người trả lương. Chính vì thế, nhiều người đã kỳ vọng Văn Hậu tìm được chỗ đứng của mình tại châu Âu, mở đường cho giấc mơ xuất ngoại của cầu thủ Việt. Rất tiếc, hành trình ấy quá ngắn ngủi.
Có rất nhiều lý do để Văn Hậu phải về nước. Đầu tiên đó là yêu cầu của Hà Nội, muốn cầu thủ của mình phải được ra sân. Họ chấp nhận trả một phần lương như trường hợp của Lê Công Vinh, nhưng phía CLB Heerenveen lại không thể cam kết cơ hội thi đấu của Văn Hậu. Lý do kế tiếp, đó là lợi ích không rõ ràng của phía đội bóng Hà Lan. Những CLB như Heerenveen khi đầu tư vào các cầu thủ trẻ thường nhắm đến việc bán lại kiếm lời. Họ sẵn sàng trả lương nhưng phải nhìn thấy triển vọng sẽ bán Văn Hậu cho một đội bóng khác. Có vẻ như dưới góc nhìn chuyên môn, họ không thấy cầu thủ Việt Nam có thể đi xa, nên tạm dừng đầu tư.
Đấy chính là sự khắc nghiệt của bóng đá châu Âu và cũng là một chi tiết để các CLB Việt Nam phải lưu ý trước khi có ý định cho cầu thủ xuất ngoại. Trong khi chúng ta chỉ muốn nhìn thấy cầu thủ Việt được ra sân chơi bóng tại châu Âu, kể cả trong một thời gian ngắn ngủi, thì các đội bóng tại đây lại muốn nhìn thấy triển vọng kinh doanh lâu dài. Điều này buộc cầu thủ Việt Nam phải có khả năng sống độc lập, giao tiếp tốt ngoại ngữ và thích ứng với nhiều chiến thuật thi đấu. Nhưng những yêu cầu trên đều là điểm yếu của cầu thủ Việt Nam. Nói cách khác, ngoài tài năng ra, cầu thủ Việt Nam hầu như không đáp ứng được gì khác.
Điều này từng được Lê Công Vinh, người từng thi đấu tại Bồ Đào Nha, Nhật Bản đúc kết. Nhiều cầu thủ của Thái Lan cũng vì điều này mà chọn Nhật Bản để rèn luyện trước khi sang châu Âu. Tiếc là những nhà quản lý ở Hà Nội FC đã quá lạc quan mà bỏ qua những bài học này.