Lý do mà lãnh đạo VFV đưa ra mới nghe rất có lý: “Vì Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) tự ý đổi lịch thi đấu, làm ảnh hưởng đến lịch trình của đội tuyển nữ Việt Nam”, bởi lẽ với một tổ chức chuyên nghiệp và sở hữu nhiều sự kiện bóng chuyền hàng đầu châu lục như AVC mà hành xử nghiệp dư như thế thì không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, khi hỏi kỹ ra mới biết rằng lịch thi đấu được điều chỉnh của Giải vô địch châu Á 2019 không ảnh hưởng quá lớn đến sự chuẩn bị của đội tuyển quốc gia, vì VTV Cup 2019 kết thúc vào ngày 10-8, trong khi giải châu Á khởi tranh sau đó cả tuần (tức ngày 17-8), còn dư thời gian cho đội tuyển chuẩn bị con người để tham dự.
Nên nhớ đây là giải đấu được tính như vòng loại của Olympic London 2020, hầu hết các đội tuyển mạnh ở khu vực Đông Nam Á đều tham dự và hy vọng có thể lọt được đến vòng tranh chấp vé chính thức.
Chưa kể, với lực lượng chủ yếu là các tuyển thủ U.23 được rèn giũa từ Cúp Hoà bình ở Indonesia đến Giải vô địch U.23 châu Á và VTV Cup (cùng diễn ra ở Việt Nam) thì Giải vô địch nữ châu Á rất có lợi cho việc đánh giá chất lượng VĐV, nhằm chuẩn bị kỹ hơn nữa cho đấu trường SEA Games 30, nơi mà bóng chuyền nữ Việt Nam đặt mục tiêu sẽ ít nhất đòi lại tấm HCB từ tay kình địch Indonesia, đồng thời có thể tranh chấp HCV với Thái Lan.
Bỏ giải châu Á, được biết chủ yếu vì lý do… không có kinh phí, nhưng cái cách mà VFV giải thích trước giới truyền thông như những ngày qua là chưa thật thuyết phục. Thậm chí, người ta càng tỏ ra nghi ngờ về tính trung thực trong lời nói của lãnh đạo VFV khi biết rằng thầy trò đội tuyển nữ Việt Nam vừa xếp lịch tham dự giải bóng chuyền dành cho 4 đội tuyển vùng Đông Nam Á (cùng Thái Lan, Philippines và Indonesia) với tên gọi ASEAN Grand Prix, chứ không phải được tạo cơ hội để góp mặt ở sân chơi cao cấp hơn như Giải vô địch châu Á.