Tư duy nghiệp dư

Khép lại giải VĐQG 2015, tưởng chừng bóng chuyền Việt Nam cũng chia tay năm 2015 trong ổn thỏa. Thế nhưng, vẫn nảy sinh những điều tiếng và ít nhiều đã ảnh hưởng đến giới làm nghề và VĐV…

Sau khi vòng 1 giải VĐQG 2015 kết thúc, đã rộ lên thông tin cho rằng một số cá nhân và đội bóng đã lọt vào tầm ngắm của các cơ quan điều tra vì nghi ngờ gian lận, móc ngoặc để dàn xếp tỷ số các trận đấu hòng trục lợi. Chuyện nói trên là có thật và nhiều trận đấu ở vòng 2 (diễn ra từ ngày 14-12 đến 28-12 tại TPHCM và Khánh Hòa) đã được các cơ quan an ninh theo dõi gắt gao nhằm hạn chế đến mức tối đa điều tồi tệ xảy ra. Giới truyền thông cũng đã cảnh báo trước khi khởi tranh vòng 2 giải đấu năm nay và về cơ bản, nhà quản lý nhận định mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ.

Bóng chuyền Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Ảnh: Dũng Phương

Tức là, lâu nay trong làng bóng chuyền Việt Nam vẫn còn tồn tại tư duy rất nghiệp dư rằng nhường 1 ván đấu, nhường vài đường bóng cho đội bóng đang trong tình cảnh khó khăn thì chẳng thiệt gì, mà lại có thêm khoản thù lao riêng. Một số đội bóng nam và nữ từ lâu đã được xếp vào diện “chuyên đi đêm với trọng tài và lãnh đạo đội khác” để mưu cầu thành tích. Thậm chí, có những đội còn “dựa hơi” của các giám sát, quan chức thuộc LĐBC quốc gia nhằm gây sức ép lên trọng tài trong các trận đấu mang tính chất căng thẳng.

Vẫn chưa có một kết luận cụ thể nào về tính trung thực của các trận đấu trong khuôn khổ giải VĐQG năm nay (tính cả 2 vòng), bởi lẽ cơ quan điều tra vẫn trong quá trình thu thập và xử lý thông tin từ nhiều phía. Khi được hỏi, lãnh đạo một số đội bóng cũng thừa nhận vòng 2 luôn phát sinh những trận đấu đáng ngờ vực, mà ở đó, vai trò và trách nhiệm của trọng tài điều hành cũng như ý thức tuân thủ cuộc chơi của các HLV cũng như VĐV chưa thực sự đàng hoàng.

Đấy là chuyện lớn. Còn chuyện nhỏ hơn nhưng cũng đang gây ra khá nhiều bức xúc đối với VĐV sau khi giải VĐQG 2015 kết thúc. Tức là LĐBC Việt Nam không biết vì cố tình hay vô ý mà chỉ trao thưởng 2 danh hiệu cá nhân “VĐV xuất sắc toàn diện” cho Nguyễn Hoàng Thương (nam) và Phạm Thị Kim Huệ (nữ), trong khi loại bỏ hết những giải thưởng cá nhân thường thấy khác, chẳng hạn là “Chuyền 2 xuất sắc”, “Chắn bóng xuất sắc”, “Libero xuất sắc”… nhằm ghi nhận những đóng góp của các VĐV trong suốt 1 năm thi đấu. Ở đây, LĐBC Việt Nam rõ ràng đã thiếu sự tôn trọng đối với VĐV, cũng tức là thiếu tôn trọng giải đấu do chính mình tổ chức và điều hành.

Cái tư duy nghiệp dư đã ăn sâu, xói mòn tâm trí của những nhà quản lý của LĐBC Việt Nam, khiến họ khó mà thoát khỏi tình cảnh nghiệp dư để phát triển theo hướng bài bản và chuyên nghiệp hơn. Ít ngày nữa, Đại hội LĐBC Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra, nhưng ngay từ khi nó chưa bắt đầu, đã xuất hiện nhiều thông tin cho rằng hầu hết những ủy viên được chọn vào BCH nhiệm kỳ mới đều “dễ sai, dễ bảo”, tạo điều kiện cho nhóm lợi ích tồn tại bấy lâu nay tiếp tục lũng đoạn hoạt động của bóng chuyền Việt Nam.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục