Đấy là lần đầu tiên mà một CLB công khai số tiền đầu tư, mặc dù cũng đã có nhiều thông tin về việc đội này đội nọ tốn hơn trăm tỷ đồng/mùa giải. Con số ấy quả thật rất lớn. Bởi số tiền để một CLB “sống được” ở V-League vào khoảng 35 tỷ đồng. Nhưng trong 4 năm làm bóng đá ở Thanh Hóa, ước tính phía FLC bỏ ra 300 tỷ đồng. Không biết họ được nhận gì từ địa phương hay không, nhưng với bóng đá là “mất trắng”.
Vậy mà vừa mới đây, chủ tịch hiện tại của Thanh Hóa là bầu Đệ lại tuyên bố đội của ông ta bị “vỡ quỹ lương” do V-League kéo dài. Nếu tính trung bình lương cầu thủ là 30 triệu đồng/tháng, thì cả đội bóng 50 người cũng chỉ có 1,5-2 tỷ đồng tiền lương mỗi tháng, tức là không thể cao hơn 20 tỷ đồng/mùa giải. Một đội bóng từng được đầu tư trên 100 tỷ đồng, giờ rơi xuống mức mới đá có nửa mùa đã chẳng còn tiền, rõ ràng là một câu chuyện rất đáng suy nghĩ!
Đã đến lúc cần thiết kế một “luật công bằng tài chính” cho bóng đá Việt Nam. Đầu tiên, nó sẽ giúp cho scandal “thiếu tiền bỏ giải” bớt đi. Cầu thủ cũng là người lao động thuộc ngành nghề đặc thù, khó kiếm việc khi bị thất nghiệp nên các CLB phải có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các khoản bảo hiểm. Nghĩa là trong tài khoản của đội bóng buộc phải có tối thiểu một số tiền, được giám sát chặt chẽ chứ không thể chỉ cam kết khơi khơi. Kế đến, cũng cần có giới hạn tối đa trong đầu tư tài chính, tránh tình trạng tốn kém quá nhiều nhưng không vô địch nên… “nghỉ chơi”. Đây là nguyên nhân chính của khá nhiều cuộc chia tay trước đây giữa doanh nghiệp và bóng đá. Việc giới hạn, minh bạch các nguồn chi sẽ dẹp bỏ công thức “dùng tiền mua danh hiệu”, buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian đầu tư mới có thể có thành tích. Sự kiên nhẫn này luôn có ích cho bóng đá, đồng thời cũng tạo ưu thế cho những CLB có hệ thống đào tạo tốt, lực lượng tại chỗ dày. Ở góc độ địa phương, họ cũng sẽ tích lũy được nguồn tiền để trong trường hợp doanh nghiệp không tài trợ vẫn có thể duy trì hạ tầng cho đội bóng.
Lấy ví dụ như Thanh Hóa. Hồi năm 2009, khi bị rớt hạng, họ giải tán luôn đội bóng, bao gồm các tuyến trẻ. Nhưng sau đó được Viettel tặng suất đá V-League, thì họ vội vã mời nhà đầu tư FLC đổ tiền ào ạt, cũng dành một phần ngân sách cho bóng đá trẻ nên mới vô địch giải U17 quốc gia năm 2019. Tiếc là đến bây giờ, đội bóng lại rơi vào tình cảnh thiếu tiền, có thể sẽ khiến công sức xây dựng nhiều năm qua “đổ sông, đổ biển”, lãng phí nguồn lực mà chẳng bền vững. Nếu có những chế tài cụ thể về tài chính ở cả tối thiểu lẫn tối đa, bóng đá Việt Nam sẽ phát triển ổn định hơn.