Được giới thiệu, cũng như biết về An Khánh qua mạng xã hội, HLV Philippe Troussier quyết định tạo cơ hội cho tài năng Việt kiều này. Trong khi đó, ở đội tuyển Việt Nam, có một cái tên Việt kiều khác là Adriano Schmidt, người có tên Việt Nam là Bùi Đức Duy, có cha là người Việt và mẹ là người Đức, tương tự trường hợp của Đặng Văn Lâm, thủ thành số 1 hiện nay của đội tuyển.
Trước hết, phải xem đây là một xu hướng của bóng đá và thể thao thế giới. Khi các nguồn lực trong nước chưa đủ, nên tận dụng kiều bào sinh sống ở nước ngoài với các yếu tố vượt trội về mặt hình thể và khả năng tiếp cận tư duy hiện đại. Ngay tại V-League 2023, cơ chế sử dụng ngoại binh cũng rất thoáng. Ngoài 3 ngoại binh, các CLB được phép sử dụng 1 cầu thủ nhập tịch và 1 cầu thủ Việt kiều (những người không bị xem là ngoại binh) trong trận đấu. Riêng với đội tuyển, từ năm 2008, bóng đá Việt Nam cũng đã có cơ chế “mở” với các trường hợp này, thậm chí có đợt tập trung còn gọi những cầu thủ nhập tịch lên tuyển, nên các cầu thủ có gốc gác Việt Nam đương nhiên luôn có chỗ.
Tuy vậy, số lượng cầu thủ Việt kiều thành công lại không nhiều. Tính đến nay, Đặng Văn Lâm có thể coi là trường hợp thành công duy nhất. Là thủ môn số 1 của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, cầu thủ mang 2 dòng máu Việt - Nga đã chơi bóng ở Thái Lan lẫn Nhật Bản. Trước đó, chúng ta từng có không ít trường hợp “chưa thử kêu nhưng đốt thì xịt” như Đặng Văn Robert hay Michel Nguyễn, Mạc Hồng Quân, Martin Lò… Những cầu thủ này đều không thể hiện được quá nhiều tại V-League chứ chưa cần nói tới cấp độ đội tuyển.
Năm 2019, HLV Park Hang-seo từng có trong tay hồ sơ của 8 cầu thủ Việt kiều và có chuyến sang châu Âu xem một số cầu thủ thi đấu. Hai cái tên nhận được sự quan tâm đặc biệt là tiền đạo Alexander Đặng (Na Uy) và thủ môn Filip Nguyễn (CH Czech). Tuy nhiên, sau đó đã không có ai được chọn. Tiếc nhất là thủ môn Filip Nguyễn, người có mong muốn được về khoác áo đội tuyển Việt Nam nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà kế hoạch bất thành.
Bóng đá dù đi sớm về việc thu hút nguồn lực cầu thủ Việt kiều, nhưng thực ra không nhanh và mạnh như môn bóng rổ hay quần vợt - đã thành công trong các kỳ SEA Games gần đây. Theo thống kê, danh sách cầu thủ bóng đá Việt kiều được cho là “có thể thi đấu cho Việt Nam” hiện tại là 75 người. Nổi bật nhất là Lee Nguyễn (Nguyễn Thế Anh), nhưng anh gần như đã giải nghệ. Người được kỳ vọng nhất là tài năng 17 tuổi Đỗ Nguyễn Chung, hiện thi đấu cho CLB Slavia Sofia (Bungari), đang được Barcelona danh tiếng nhắm tới.
Vấn đề là dù được đánh giá cao nhưng khi về đến Việt Nam thi đấu, nhiều cầu thủ Việt kiều lại cho thấy trình độ không hơn cầu thủ Việt, chứ chưa nói là thay thế các ngoại binh. Tại V-League 2023, có trường hợp của Viktor Lê ở Bình Định hay Ryan Hà ở Khánh Hòa, nhưng chỉ dừng ở mức độ khoảnh khắc chứ không đều đặn về phong độ cống hiến. Thực tế, V-League là một giải đấu khắc nghiệt, không dễ để thành công đối với các cầu thủ Việt kiều, trong khi đây chính là môi trường quan trọng nhất để các HLV Park Hang-seo trước đây hay Troussier hiện tại triệu tập họ vào đội tuyển.