Ngày vui của huyện nhà
Mới lần đầu được tổ chức, song Giải bóng đá Đồng hương huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) tại miền Nam đã thu hút 16 CLB, với khoảng 300 cầu thủ đăng ký tranh tài. Điều tạo nên ấn tượng là tên của các đội bóng được gắn liền với tên xã, tên thị trấn thuộc địa phương. Để không chỉ tăng tính bản sắc, mà mỗi thành viên khi đến với giải đấu còn trở thành “đại sứ” trong việc quảng bá văn hóa và con người của quê hương.
Một cảm giác thật ấm áp và gần gũi khi xem các cầu thủ phong trào của huyện Đại Lộc chơi bóng. Có những người đưa cả gia đình lên sân bóng từ sớm để chuẩn bị công tác cổ vũ, đồng thời có dịp làm quen và trò chuyện với những đồng hương khác.
Chọn TPHCM làm nơi lập nghiệp đã 20 năm, chị Huỳnh Thị Tâm (quê ở xã Đại Thạnh) tâm sự, chỉ cần đến sân và nghe những người cùng nói giọng Quảng với mình là đủ làm chị bồi hồi. “Trước đây, những người con trong xã đang sinh sống tại miền Nam gặp nhau đầy đủ chỉ một lần thông qua buổi họp mặt đồng hương đầu năm. Nay có thêm hoạt động bóng đá này, chúng tôi vui lắm”, chị Tâm hồ hởi nói.
Ngày hội bóng đá của những người con Đại Lộc xa quê diễn ra đúng với tinh thần giao lưu, mỗi cầu thủ ra sân bằng nguồn cảm hứng chơi để tận hưởng. Đổi lại, họ được nhận những tràng pháo tay tán thưởng từ khu vực khán đài sau những pha bóng xử lý tinh tế, cống hiến. Khép lại ngày thi đấu, bà con trong thôn, trong xã rủ nhau tìm đến những quán ăn của người “Quảng Nôm” để tạo thành một cộng đồng đoàn kết, cùng nhau nói về chủ đề quê hương. Cuộc sống bộn bề lo toan, nên khoảnh khắc gặp mặt như vậy vô cùng trân quý với những người con đồng hương.
Song, ý nghĩa nhân văn thông qua cuộc hội ngộ được kết nối bằng trái bóng tròn ở chỗ đây là dịp để bậc người lớn lắng nghe các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học chia sẻ những nỗi niềm. Đồng hương vì thế sẽ trở thành đồng điệu để mọi người cảm thông cho nhau. Từ đó, một quỹ học bổng được thành lập, mang đến tia hy vọng cho những chủ nhân tương lai của quê hương Đại Lộc vượt qua khó khăn, đồng thời lan tỏa thông điệp của con dân địa phương luôn mang tấm lòng nhân ái.
Vậy nên, ngày bế mạc giải đấu, sự bồi hồi và luyến tiếc hiện rõ trên nét mặt của bà con Đại Lộc. Tất cả hẹn nhau mùa giải sang năm sẽ tổ chức to và hoành tráng hơn, tất nhiên kèm những chương trình đồng hành với quê hương.
Kiến thiết những sân chơi đồng hương
Là khu vực tập trung đông các khu công nghiệp, nên các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” để phát triển thể thao trong quần chúng. Trong đó, các giải bóng đá phong trào với những mục đích khác nhau đang “mọc lên như nấm”. Song, để tạo ra nét riêng khó phai thì những sân chơi đồng hương là điểm nhấn đầy trân trọng.
Người viết được một đồng nghiệp chỉ đường đến sân bóng đá Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) để gặp anh Nguyễn Trọng Mạnh, người mà giới bóng đá phong trào tại miền Nam đặt cho biệt danh “ông hoàng các giải đấu đồng hương”. Bởi anh là trưởng nhóm của Phui Football (thành lập năm 2019) với 20 thành viên, đang vận hành khâu tổ chức các giải bóng đá đồng hương cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế... tại miền Nam.
Cảm nhận ban đầu về anh Trọng Mạnh là người đàn ông chất phác và dễ gần, với chất giọng Nghệ An không bị phai chút nào dù đã vào Nam khởi nghiệp từ 13 năm trước. Trọng Mạnh đang trải qua khoảng thời gian đầy bận rộn, khi anh cùng Phui Football “chạy ngược chạy xuôi” tìm nhà tài trợ để tái kích hoạt Giải bóng đá Đồng hương toàn quốc, vốn bị tạm dừng 3 năm qua vì dịch Covid-19.
Xen lẫn sự tự hào và xúc động, anh Trọng Mạnh kể về Giải bóng đá đồng hương Nghệ - Tĩnh được ê kíp của anh vận hành đã bước sang năm thứ 6. Đây là một trong những sân chơi phong trào có quy mô lớn bậc nhất tại miền Nam, quy tụ rất nhiều ngôi sao chuyên nghiệp lẫn phủi về tham dự, bao gồm những cầu thủ từng “ăn cơm” đội tuyển quốc gia như Trương Đình Luật, Vũ Quang Nam, Hồ Tuấn Tài... hay Quả bóng vàng Futsal Việt Nam 2018 Vũ Quốc Hưng.
Những ngày thi đấu của đồng hương Nghệ - Tĩnh đúng chất lễ hội, khi các món ăn đặc sản nơi quê nhà được bày bán cho những khách hàng đồng hương nhớ lại “vị quê”. Mỗi trận cầu của những người con núi Hồng - sông Lam lăn bóng trong bầu không khí cuồng nhiệt được tạo ra trên khán đài đầy ắp cổ động viên. Nhiều thời điểm ban tổ chức rất vất vả để giữ “lửa” sôi động nhưng vẫn phải đề cao công tác an ninh - an toàn cho giải đấu.
Chất lượng chuyên môn qua từng mùa giải được nâng cao bởi luôn nhận được sự đồng hành từ các chủ doanh nghiệp - vốn là người con của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xa quê. Anh Trọng Mạnh trải lòng: “Bằng tất cả sự tâm huyết cùng tình cảm dạt dào dành cho quê hương, chúng tôi hạnh phúc khi được chung tay kiến tạo ra ngày hội dành cho bà con xa quê của Nghệ - Tĩnh. Để những người ở địa phương cảm nhận được rằng, dù ở phương xa nhưng chúng tôi vẫn luôn hướng về cội nguồn”.