Nghiên cứu từ 2 trường Đại học danh tiếng nói trên được Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) bảo trợ cho kết quả khoảng 30% VĐV dính doping ở giải điền kinh Vô địch thế giới diễn ra ở Hàn Quốc năm 2011. Thế nhưng, một quan chức của WADA còn cho biết con số VĐV sử dụng chất cấm trong danh mục thực tế còn cao hơn nhiều lần.
Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Đức, ông Clement Prokop nói với hãng thông tấn AFP: “Tôi từ lâu đã yêu cầu nghiên cứu nói trên được công bố ra toàn thế giới để mọi người cùng biết. Trong cuộc chiến chống doping, mọi chuyện chỉ có thể rõ ràng nếu chúng ta làm việc thật công khai và minh bạch”.
Cũng với những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đặt ra đối với các VĐV dự giải thế giới năm 2011 áp cho các VĐV dự Đại hội thể thao khu vực Ả Rập năm 2011 ở Qatar đã cho kết quả đáng sợ: hơn 45% VĐV thừa nhận đã chơi doping! Điều đáng ngạc nhiên là trong số 5.000 VĐV tham dự 2 sự kiện thể thao nói trên, có đến 2.167 người đã khẳng định sử dụng chất cấm trước khi bước vào tranh tài.
Rõ ràng, những nghiên cứu từ 2 trường Đại học của Đức và Mỹ đã tiếp tục chỉ ra rằng doping giống như một bóng ma hoành hành ở làng thể thao thế giới nói chung và điền kinh nói riêng. Đỉnh điểm là điền kinh và quần vợt Nga rơi vào khủng hoảng và tước quyền tham dự Olympic 2016 khi hàng trăm VĐV của họ bị phát hiện doping.