Tiềm năng của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam

Nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan, đồng thời góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp Ủy ban Đầu tư Thái Lan tổ chức Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam” vào ngày 6-10 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết: Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy và hỗ trợ quá trình đổi mới ở trong nước, mở rộng không gian phát triển của Việt Nam. Để tạo “sức bật” mới cho phát triển nhanh và bền vững, từ nay đến năm 2020, Việt Nam tập trung phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó việc nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp là ưu tiên phát triển hàng đầu nhằm định hướng Việt Nam là điểm đến lý tưởng để đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ông Đặng Xuân Quang khẳng định: Chúng tôi coi thành công của các bạn chính là thành công của chính chúng tôi.

Ông Chokedee Kaewsang phát biểu tại hội thảo

Ông Chokedee Kaewsang, Phó Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan, cho biết Chính phủ Thái Lan xem việc đầu tư ra các nước là chiến lược mở rộng hợp tác giữa Thái Lan và các nước khu vực cũng như tăng cường tính cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh giữa các nước có hợp tác. Ngành công nghiệp phụ trợ ngày càng phát triển vì không có doanh nghiệp nào có thể tự sản xuất tất cả chi tiết phụ tùng.

Nhấn mạnh quan điểm hợp tác kinh doanh “win-win” trong chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan ra nước ngoài, ông Chokedee Kaewsang khẳng định: Việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và lợi ích của quốc gia được đầu tư là vấn đề phải cân bằng một cách hợp lý nhất. “Win-win” – cả hai cùng có lợi – là từ khóa quan trọng mà các nhà đầu tư phải nắm được. Khi một doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư thì phải chia sẻ quyền lợi cho các doanh nghiệp tại quốc gia đó. Nếu hợp tác được tốt thì không có vấn đề gì xảy ra. Chính phủ Thái Lan luôn nhắc nhở những nhà đầu tư của mình phải đặt quan điểm này lên trên hết.

Ông Đặng Xuân Quang (giữa) cùng lãnh đạo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và các nhà đầu tư

Ông Chai Nimakorn, Ủy viên Ban cải cách Hiến pháp về ngành thể thao, cũng như Chủ tịch Tập đoàn Thể thao Grand Sport, tự tin về cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thể thao tại Việt Nam qua sự hiện diện của các nhà máy gia công cho các thương hiệu thể thao nổi tiếng trên thế giới về trang phục và giày thể thao.

Ngành công nghiệp thể thao ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai là dự báo của ông Chai Nimakorn qua những dấu hiệu về sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với thể thao cũng như sự phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này có phát triển được như dự báo tùy thuộc việc Chính phủ Việt Nam xác định đây là ngành công nghiệp thật sự, đóng góp không nhỏ vào ngân sách quốc gia. Tại Thái Lan, ngành công nghiệp thể thao liên quan đến các trang thiết bị fitness đang phát triển mạnh mẽ gần đây. Đó cũng là dự báo xu thế phát triển cho các nước ASEAN.  

Ban tổ chức hội thảo còn mời các diễn giả là những nhà nghiên cứu chính sách hay những doanh nghiệp kinh doanh thực tiễn ở Việt Nam để chia sẻ những kinh nghiệm như TS. Phạm Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp, trình bày về những thực trạng và cơ hội đối với ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hay TS. Siwat Luangsomboon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của ngân hàng Kasikorn, dự báo về tiềm năng khai phá thị trường Việt Nam qua các yếu tố tài chính.

Hội thảo với sự góp mặt của 150 nhà đầu tư Thái Lan, doanh nghiệp nước ngoài tại Thái Lan và các nước ASEAN đã chứng tỏ các nhà đầu tư rất quan tâm đến sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thiện Nga

Tin cùng chuyên mục